Mình vừa đọc được câu chuyện này trên tumblr (mình lược dịch lại bài viết):
Hai bức tranh này do họa sĩ trường phái hậu Ấn tượng Henri de Toulouse-Lautrec vẽ. Sinh ra từ một cuộc hôn nhân cận huyết khiến ông bị rối loạn di truyền, đôi chân sau khi bị gãy không thể lành lại được nữa. Bị trêu chọc, kỳ thị, ông trở thành một kẻ nghiện rượu – điều dẫn tới cái chết của ông. Cả đời ông chỉ có những mối quan hệ tình cảm với gái làng chơi.
Nhưng ông lại vẽ được những bức tranh hết sức dịu dàng, đẹp đẽ như thế này. Như thể những nhân vật trong tranh thực lòng yêu nhau, quan tâm đến nhau. Thức dậy hạnh phúc nhìn thấy nhau. Tôi nhìn thấy tình yêu say mê mãnh liệt và băn khoăn ông đã cô đơn đến nhường nào. Tôi tự hỏi bằng cách nào ông có thể vẽ được như vậy mà không khiến trái tim mình tan nát.
Có thể có người nói rằng các họa sĩ chỉ nên tạo ra những thứ họ biết, vì sẽ thật không đáng tin nếu họ vẽ những thứ ngoài tầm trải nghiệm của mình nhưng họ vẫn làm được điều đó một cách tinh tế phi thường. Tôi ghét việc nghĩ về Lautrec, băn khoăn về những cặp tình nhân ông tạo ra và biết rằng họ nằm ngoài trải nghiệm của ông. Tạo ra một thứ đẹp đẽ và biết rằng mình sẽ không bao giờ có được.”
Khi đọc bài post này, mình thấy cực kỳ đồng cảm. Mình hiểu cảm giác tạo ra cái gì đó nằm ngoài trải nghiệm của mình. Điều này đau lòng vô cùng.
Nỗi buồn này mình cũng thường gặp trong những câu chuyện của H.C.Andersen, khi ông viết “số phận của tình yêu là nhạt phai“. Andersen yêu không ít người nhưng chưa từng có ai đáp lại tình cảm của ông. Ông có một câu chuyện rất đẹp (và hiếm hoi) về tình yêu tên là “Ông già làm gì cũng đúng“, kể về một đôi vợ chồng già và nghèo. Một ngày nọ, người chồng đem con ngựa ra chợ bán, vợ dặn nhớ đổi cái gì được giá. Nhưng cuối cùng sau nhiều lần tráo đổi ông cầm về được một túi táo mèo. Khi nghe kể đầu đuôi câu chuyện người vợ vẫn vô cùng vui vẻ, hài lòng dù chồng có mang về bất kỳ thứ gì. Mình cảm thấy đó là sự tuyệt đối an tâm mà tình yêu có thể mang lại, nhìn thấy được niềm lạc quan trong mọi nỗi thất vọng và luôn sẵn lòng tha thứ cho nhau. Đây hẳn là điều Andersen mong đợi, thậm chí là tha thiết có được với những mối tình thầm lặng mà ông ôm ấp.
Cả Andersen và Lautrec đều là những nghệ sĩ lớn của thế giới, và tài năng của họ chính là trí tưởng tượng vượt khỏi thực tế lạnh lẽo. Như một lời nhận định về Van Gogh trong Doctor who, để diễn tả về nỗi đau thì dễ, điều tuyệt vời hơn là có thể từ bất hạnh mà vẫn thể hiện được niềm vui sống. Đó cũng là một trong những lý do khiến các tác phẩm của họ có sức sống lâu bền. Bởi chúng bộc lộ nhu cầu mưu cầu hạnh phúc một cách sâu sắc, chân thành, cũng là một trong những khao khát tự nhiên nhất của con người. Xét cho cùng, nghệ thuật, dù ở bất kỳ hình thức nào, hội họa hay âm nhạc hay văn chương cũng là thăng hoa của xúc cảm và hi vọng. Và những điều này không phụ thuộc vào đánh giá của kinh nghiệm hay thực tế. Chúng ta may mắn không bị bó hẹp trong những thứ chúng ta biết, hay nhìn thấy, sờ thấy.
Nói rộng ra, không chỉ với các nghệ sĩ chuyên nghiệp, với những người bình thường thì việc sáng tác cũng luôn là cách giải tỏa tốt. Không quan tâm tới chất lượng sản phẩm sau cùng, quá trình mới là điều đáng kể. Bởi nếu không có tất cả những điều này thì thế giới quả thực không thể chịu đựng nổi. Ngay cả khi Lautrec vẽ ra một điều đẹp đẽ và nó khiến ông đau đớn bởi ông không bao giờ có được thì vẫn dễ chịu hơn giữ nỗi dày vò mãi trong lòng.
Reblogged this on gone with the wind.
LikeLike
Reblogged this on Trầm ngư.
LikeLike