Châu chấu nhỏ màu xanh

Có một chú châu chấu nhỏ xíu màu xanh vừa lạc vào nhà tắm của mình. Chú đứng rung rung đôi chân trên mép gương. Trông chú có vẻ lưỡng lự. Hẳn là do đi lạc. Chứ không chú phải đang nhảy ngoài cánh đồng, bãi cỏ chứ vào đây nhìn mình đánh răng làm gì.

Định hỏi chuyện, có gì google chỉ đường về nhà cho, cơ mà thôi, đánh răng xong tắt đèn lên phòng, để mặc châu chấu nhỏ màu xanh trong bóng tối.

Phép thử,

Mình vừa xem xong một bộ phim tên là Force Majeure. Bộ phim đặt ra một tình huống cực kỳ thú vị (với người xem) nhưng vô cùng khắc nghiệt (với nhân vật). Cách giải quyết của bộ phim hợp lý, thỏa đáng, lại rất nhiều hi vọng. Mình không định viết review phim, chỉ muốn mượn phim để nói một vấn đề liên quan, nên mình sẽ spoil hết nội dung phim, nếu muốn xem phim cho hay thì đừng đọc tiếp nhé.

Chuyện kể về một gia đình nọ, có hai vợ chồng với hai đứa con nhỏ, đi nghỉ trượt tuyết ở một ngọn núi.  Trong lúc họ đang ăn trưa trên núi thì có tuyết lở. Tưởng chừng tuyết sẽ đổ lên chỗ họ đang ngồi, tất cả mọi người ở nhà hàng đều hoảng loạn chạy thoát thân, người chồng vơ lấy điện thoại và găng tay bỏ mặc lại vợ và hai đứa con nhỏ. Nhưng sau tuyết lở không tới chỗ họ, mọi người đều bình an.

Tuy nhiên từ sau sự việc đó, người vợ không còn cảm thấy tin tưởng, an toàn với chồng mình nữa.

ForceMajeureRubenOstlund

Cuộc sống luôn tạo ra vô vàn những phép thử với chúng ta. Rất khó để nói trước liệu chúng ta sẽ chế ngự được bản năng của mình trong những hoàn cảnh khắc nghiệt hay không. Trong phim, bản năng của người mẹ là túm lấy hai đứa con ngay lập tức nhưng người bố lại bỏ chạy một mình. Tự nhiên mình nhớ tới rất nhiều những vụ tai nạn không ngờ tới, như bà mẹ ở Trung Quốc bị cuốn vào trong thang cuốn nhưng trước khi đó cô đã kịp đẩy đứa con ra xa, hoặc trong vụ động đất cách đây vài năm, khi đào đống đổ nát lên họ tìm thấy một đứa bé còn sống sót nhờ người mẹ lấy thân che chắn với một lời nhắn còn lưu trong điện thoại: nếu con sống sót được thì hãy luôn nhớ rằng mẹ rất yêu con. Hay như người đàn ông đã lấy thân đỡ đạn cho bạn gái trong một vụ xả súng vào đám đông, hay cô giáo trẻ hi sinh tính mạng để cứu học sinh của mình. Không thể biết trước được liệu những hành động anh hùng như vậy có xảy ra hay không, và ai sẽ trở nên dũng cảm phi thường trong những thời điểm sống còn như vậy (đáng tiếc cuộc sống không dễ đoán như những bộ phim anh hùng của Mỹ – nơi chúng ta luôn biết mình sẽ được cứu).

Tất nhiên, chúng ta biết luôn có những người can đảm quên thân mình như vậy (may mắn sao!). Còn những người còn lại? Như ông bố trong bộ phim chẳng hạn. Hành động của anh ta là cực kỳ hèn nhát, đáng thất vọng, nhưng mặt khác mình lại thấy thương cảm cho anh ta – anh ta mắc một sai lầm rất con người và bị chính sai lầm ấy hành hạ, dằn vặt. Liệu vì một khoảnh khắc bản năng ích kỷ mạnh hơn lý trí mà gạt bỏ hết bao năm yêu thương, chăm sóc tận tụy của một người bố, một người chồng thì có công bằng với anh ta không? Chúng ta phải xét tới một thực tế rất lớn là tất cả mọi người đều không sao, không ai bị thương gì.

Thực ra điều khó khăn nhất ở hoàn cảnh này không phải là tha thứ mà là hàn gắn lòng tin. Chỉ từ một vết nứt rất nhỏ có thể lan rộng làm rạn vỡ rất nhiều điều vun đắp bao lâu. Và một khi lòng tin đã sứt mẻ thì phải cần rất nhiều rất nhiều tình yêu, sự sáng suốt cũng như lòng dũng cảm để tin tưởng thêm một lần nữa. Như trong bộ phim này, cuối cùng kẻ tha thứ và hàn gắn tất cả lại là những đứa con, chúng mau chóng quên mất sự việc lở tuyết hụt mà chỉ nhìn thấy trước mặt, ở hiện tại là bố chúng đang vô cùng đau khổ và bố mẹ chúng như thể sắp li dị. Chúng lại yêu bố chúng như chưa hề cần bố cứu mình. Và lần này thì bố chúng đã không làm chúng thất vọng thêm nữa.

Có một chi tiết nhỏ mình rất thích trong phim: người vợ kể lể sự việc cho một người bạn của chồng – cũng đang đi nghỉ với một cô bạn gái trẻ măng. Cặp đôi này lắng nghe câu chuyện và cố gắng an ủi, xoa dịu cả hai vợ chồng. Sau khi trở về phòng, cô gái trẻ quay ra nói với người yêu mình rằng cô nghĩ nếu trong trường hợp như vậy chắc anh cũng sẽ bỏ chạy như ông chồng kia – hai anh trông có vẻ cùng một loại người. Rồi họ cãi nhau. Đây là một tình huống chân thực và bản thân mình cũng từng vướng phải không ít lần. Chúng ta may mắn không rơi vào những tình huống khắc nghiệt thì chúng ta lại tự đặt ra những phép thử. Và nói thật, những phép thử này không khiến chúng ta yêu nhau hơn, tin tưởng nhau hơn mà chỉ thể hiện sự bất an và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Không khác gì chúng ta tự cầm rìu phang vào một cái bàn đang dùng bình thường với suy nghĩ rằng dù gì cũng phải thử xem nó có tốt thật không.

Mình nghĩ, ngoài những phép thử khách quan và không thể tránh khỏi mà cuộc sống đổ xuống đầu chúng ta (như một vụ lở tuyết hụt chẳng hạn) có lẽ không nên tự tạo ra thêm những phép thử cho những người xung quanh mình. Nếu thực sự muốn thử thách nhau thì có lẽ cũng từ bỏ nhau đi là vừa. Vì thử chắc cũng như đốt giấy, kiểu gì cũng cháy, không bỏng người này cũng bỏng người kia.

Khi xem V for vendetta, mình thích nhất việc Evey mong muốn nhất là ngừng sợ hãi. Khi cô thôi sợ hãi, người quen cũng không thể nhận ra cô nữa. Chỉ khi thôi sợ hãi, thôi sợ đau buồn, sợ thất vọng thì người ta mới có thể thực sự tin tưởng được.

À nói tới đây lại thấy có tý bất bình cho nỗi sợ. Thôi thì sẽ nói về nỗi sợ vào một dịp khác.

lảm nhảm về những ngôi sao

mình luôn thích những câu chuyện về vũ trụ, những hành tinh, những ngôi sao… mình cũng luôn muốn tin vào sự tồn tại của sự sống ngoài Trái Đất. mình cảm thấy nếu chỉ có loài người giữa cả vũ trụ bao la thì thật là cô đơn cùng cực. 

điều mình thích ở vũ trụ là sự to lớn, vĩ đại khôn cùng. sự vô cùng ấy luôn khiến mình cảm thấy nhỏ bé. và sự nhỏ bé này trong nhiều trường hợp là một sự an ủi. rằng thì rốt cục giữa vũ trụ tận cùng, mọi sự ấy cũng chẳng thá gì. ngày nhỏ, mỗi lúc thấy buồn mình sẽ ngắm… sao. nghe hơi sến súa nhưng không phải mình thích sao đẹp hay nghe nên thơ mà vì mình biết có vô số những hành tinh khác bên cạnh Trái Đất, có hình ảnh lưu lại cách đây hàng triệu năm… mọi con số khủng khiếp mà mình không thể đếm nổi ấy khiến mọi nỗi buồn của mình trở nên tủn mủn, vặt vãnh hết sức. 

đôi lúc mình cũng chỉ muốn là một mẩu vật chất trôi nổi trong vũ trụ, chờ đợi một vụ nổ lớn mà biến đổi không ngờ. 

viết vào một ngày mưa

Mình vừa đọc được câu chuyện này trên tumblr (mình lược dịch lại bài viết):

tumblr_mg2n5hKUNz1qamysco1_1280
Hai bức tranh này do họa sĩ trường phái hậu Ấn tượng Henri de Toulouse-Lautrec vẽ. Sinh ra từ một cuộc hôn nhân cận huyết khiến ông bị rối loạn di truyền, đôi chân sau khi bị gãy không thể lành lại được nữa. Bị trêu chọc, kỳ thị, ông trở thành một kẻ nghiện rượu – điều dẫn tới cái chết của ông. Cả đời ông chỉ có những mối quan hệ tình cảm với gái làng chơi.
 
Nhưng ông lại vẽ được những bức tranh hết sức dịu dàng, đẹp đẽ như thế này. Như thể những nhân vật trong tranh thực lòng yêu nhau, quan tâm đến nhau. Thức dậy hạnh phúc nhìn thấy nhau. Tôi nhìn thấy tình yêu say mê mãnh liệt và băn khoăn ông đã cô đơn đến nhường nào. Tôi tự hỏi bằng cách nào ông có thể vẽ được như vậy mà không khiến trái tim mình tan nát.
 
 
Có thể có người nói rằng các họa sĩ chỉ nên tạo ra những thứ họ biết, vì sẽ thật không đáng tin nếu họ vẽ những thứ ngoài tầm trải nghiệm của mình nhưng họ vẫn làm được điều đó một cách tinh tế phi thường. Tôi ghét việc nghĩ về Lautrec, băn khoăn về những cặp tình nhân ông tạo ra và biết rằng họ nằm ngoài trải nghiệm của ông. Tạo ra một thứ đẹp đẽ và biết rằng mình sẽ không bao giờ có được.”
tumblr_mg2n5hKUNz1qamysco2_500

Khi đọc bài post này, mình thấy cực kỳ đồng cảm. Mình hiểu cảm giác tạo ra cái gì đó nằm ngoài trải nghiệm của mình. Điều này đau lòng vô cùng.

Nỗi buồn này mình cũng thường gặp trong những câu chuyện của H.C.Andersen, khi ông viết “số phận của tình yêu là nhạt phai“. Andersen yêu không ít người nhưng chưa từng có ai đáp lại tình cảm của ông. Ông có một câu chuyện rất đẹp (và hiếm hoi) về tình yêu tên là “Ông già làm gì cũng đúng“, kể về một đôi vợ chồng già và nghèo. Một ngày nọ, người chồng đem con ngựa ra chợ bán, vợ dặn nhớ đổi cái gì được giá. Nhưng cuối cùng sau nhiều lần tráo đổi ông cầm về được một túi táo mèo. Khi nghe kể đầu đuôi câu chuyện người vợ vẫn vô cùng vui vẻ, hài lòng dù chồng có mang về bất kỳ thứ gì. Mình cảm thấy đó là sự tuyệt đối an tâm mà tình yêu có thể mang lại, nhìn thấy được niềm lạc quan trong mọi nỗi thất vọng và luôn sẵn lòng tha thứ cho nhau. Đây hẳn là điều Andersen mong đợi, thậm chí là tha thiết có được với những mối tình thầm lặng mà ông ôm ấp.
 
Cả Andersen và Lautrec đều là những nghệ sĩ lớn của thế giới, và tài năng của họ chính là trí tưởng tượng vượt khỏi thực tế lạnh lẽo. Như một lời nhận định về Van Gogh trong Doctor who, để diễn tả về nỗi đau thì dễ, điều tuyệt vời hơn là có thể từ bất hạnh mà vẫn thể hiện được niềm vui sống. Đó cũng là một trong những lý do khiến các tác phẩm của họ có sức sống lâu bền. Bởi chúng bộc lộ nhu cầu mưu cầu hạnh phúc một cách sâu sắc, chân thành, cũng là một trong những khao khát tự nhiên nhất của con người. Xét cho cùng, nghệ thuật, dù ở bất kỳ hình thức nào, hội họa hay âm nhạc hay văn chương cũng là thăng hoa của xúc cảm và hi vọng. Và những điều này không phụ thuộc vào đánh giá của kinh nghiệm hay thực tế. Chúng ta may mắn không bị bó hẹp trong những thứ chúng ta biết, hay nhìn thấy, sờ thấy.
 
 
Nói rộng ra, không chỉ với các nghệ sĩ chuyên nghiệp, với những người bình thường thì việc sáng tác cũng luôn là cách giải tỏa tốt. Không quan tâm tới chất lượng sản phẩm sau cùng, quá trình mới là điều đáng kể. Bởi nếu không có tất cả những điều này thì thế giới quả thực không thể chịu đựng nổi. Ngay cả khi Lautrec vẽ ra một điều đẹp đẽ và nó khiến ông đau đớn bởi ông không bao giờ có được thì vẫn dễ chịu hơn giữ nỗi dày vò mãi trong lòng.