HỒ

Tôi vốn ko quá thích Banana Yoshimoto nên khi được tặng cuốn sách của bà cũng chỉ để đó mà không chắc bao giờ sẽ giở ra đọc. Đúng là cái gì cũng cần có duyên, vì vô tình trong một tình cảnh thấy khổ sở mà tôi đã quyết định đọc Hồ.

Cũng một phần do tâm trạng tác động mà tôi thấy thích cuốn sách này vô cùng, đây là cuốn thứ 4 của Banana mà tôi đọc cũng là cuốn tôi thấy hay nhất. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống thực tại và quá khứ của Chihiro và Nakajima với nhiều mảng sáng tối. Vô tình hai con người này đã gặp và chạm tới tâm hồn nhau để rồi gắn bó hết sức tự nhiên, mật thiết như thể mọi thứ sinh ra vốn đã phải vậy. Ở họ có những uẩn khúc và xúc cảm nhiều chiều về gia đình, người thân và cuộc sống bao quanh. Có những chi tiết mà Banana đã diễn đạt được tình yêu gia đình theo cái cách thân thương và đơn giản nhất:

– Một trong những điều Chihiro nhớ nhất về người mẹ của mình là mẹ cô thường nhắc nhớ giữ ấm bụng. Bà thường xoa và vỗ nhè nhẹ lên bụng cô lúc nhỏ. Bằng cơ thể cô học được rằng “được yêu là thế, là khi một người muốn chạm vào mình, muốn tỏ ra dịu dàng với mình”.

– Hay tình cảm của người bố ngoài giá thú của cô “thứ tình yêu không chỉ là lo lắng cho nhau, ôm nhau vào lòng, muốn được ở cùng nhau, mà là thứ tình yêu chính vì phải cố kìm nén thật chặt ở trong lòng nên mới cảm nhận được một cách tuyệt đối đến vậy”.

Hồ có nhiều góc tối và nhiều nỗi đau trong sự trưởng thành của từng nhân vật. Như nỗi nhớ người mẹ đã khuất mà Nakajima đã dồn hết vào một cái kẹp làm bánh giày mẹ hay dùng, để rồi cứ đêm ngủ lại đem kẹp dưới nách như cái cặp nhiệt độ. Hay nỗi sợ hãi mơ hồ thường trực một ngày nào đó sẽ đánh mất nhau của Chihiro và Nakajima. Tuy vậy, những vết thương ám ảnh trong Hồ có sâu sắc nhưng không bi lụy. Bằng sự nhã nhặn và tinh tế kỳ lạ, họ vẫn tiếp tục sống cuộc sống đôi lúc bất hạnh và đôi lần hạnh phúc của mình.
Thì ấy, “đâu cần phải tha thứ cho bằng hết lỗi lầm mới có thể yêu thương”.

Đọc cuốn sách này khiến tôi thấy nhẹ lòng vô cùng. Thấy thôi ngay những bất mãn, tủi thân bởi nỗi buồn riêng mà muốn tha thứ cho bản thân, lại muốn lại gần những con người khác.

Cô ấy.

Và thế là lại rơi vào cái tình trạng sến súa đáng nguyền rủa ấy! Hình như cũng theo chu kỳ, ngay cái lúc mình thấy tĩnh lặng nhất thì lại đổ ụp tới. 

Mới đây, mình xem phim Her, cảm thấy có một sự bất an rất bức bối.

HER-FP-0833.JPG

Câu chuyện kể về Theodore – một người chuyên viết thư bày tỏ tâm tình hộ những người khác. Anh có khả năng tưởng tượng, đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận tình cảm của họ mà viết ra những câu từ chân thành, xúc động. Tuy nhiên, chính bản thân anh lại không thể tìm những những kết nối chân thành, xúc động ấy với bất kỳ ai. Anh chỉ bị day dứt mãi bởi những kỷ niệm với người vợ cũ.

Cho tới một ngày anh mua Samantha về.

Samantha là một phần mềm trí tuệ nhân tạo, là một người trợ lý, một người bạn trò chuyện đã được tổng hợp, xây dựng dựa trên những thông tin, sở thích cá nhân của chính người sử dụng. Nói cách khác, đây là một cách để tự tạo ra một người bạn hoàn hảo.

Ban đầu Theodore cũng cảm thấy có chút kỳ cục khi nói chuyện với cái máy tính của mình. Sau đó thì anh thấy vô cùng dễ chịu và thích thú. Dần dà anh đem lòng yêu Samantha. Anh và cái máy tính của mình yêu nhau, làm mọi thứ cùng nhau bằng những cuộc đối thoại, yêu nhau qua giọng nói.

Về sau thế nào thì các bạn tự xem nốt đi, mình spoil trước mất vui.

Bộ phim này khiến mình thấy bất an vì tuy là phim viễn tưởng nhưng cái viễn tưởng ấy dường như chẳng xa xôi đến thế. Có đứa bạn mình cũng thích nói chuyện với Siri, nó bảo thấy vui. Ôi chẳng nhẽ sẽ đến lúc thế giới mấy tỷ người mà không thể tìm được ai có thể lắng nghe và được lắng nghe? Chúng ta sẽ mất lòng tin vào nhau đến thế? Cái ý tưởng này thật cô đơn biết mấy!

HER

Càng lớn thì mình thấy việc giao tiếp mà cởi mở thực sự càng khó khăn hơn. Công bằng mà nói, hẳn không phải vì mọi người muốn trở nên lạnh lùng hơn, mà bởi cũng gặp nhiều chuyện buồn trong quá khứ nên chúng ta đều phải tự xây dựng thành lũy bảo vệ cho bản thân. Mình cũng thế, đã có những thời gian mình thấy giao tiếp rất mệt mỏi, mình nghĩ sẽ yên ổn, bình lặng mãi như vậy. Mình hiếm khi cảm thấy cô đơn (thật đó), mình cũng ít điều gì muốn than vãn, cơ bản mình là một đứa rất vui trong những gì an toàn mình đã biết, đã quen (với cả suốt ngày làm việc với picture book ♥ thôi có gì mà ko vui cho được).

Cơ mà đến khi có chuyện, lại thấy thực ra bên trong mình… vẫn thế.  Lại muốn vứt hết áo giáp, thành lũy tốn công xây dựng để cảm thấy dễ bị tổn thương (cho dù chưa bị tổn thương gì, nhưng thấy vulnerable đã như bị thương một mẩu), lại thấy dễ buồn dễ vui vì những chuyện hết sức vớ vẩn, tủn mủn, thấy cảm hứng của mình bị phụ thuộc.

Trong Her, có một đoạn khi Theodore gặp lại vợ cũ, để chính thức hoàn thành giấy tờ thủ tục li hôn, anh có nói với cô là anh đang hẹn hò với… cái máy tính của mình, thì cô đùng đùng nổi giận, cô nói anh là kẻ hèn nhát không thể đối mặt với một mối quan hệ thực sự, không thể ở gần một con người bằng xương bằng thịt. Điều buồn cười là lúc đó mình lại thấy cảm thông với Theodore, mình muốn biện hộ cho cảm giác về tình yêu trong anh, rằng thì nếu người ta thấy hài lòng, an tâm với chỉ một giọng nói thì sai trái lắm chăng? (cũng có thể vì mình ngây thơ nên mới nghĩ thế =))) )

Tất nhiên, một tình yêu thiếu thốn vậy thì chẳng thể sống lâu được. Nhưng ít ra tình yêu với Samantha đã an ủi, giúp Theodore vượt qua một giai đoạn tăm tối và khiến anh nhận ra điều mình thực sự cần.  

Cái tên “cô ấy” vừa thấy chung chung, bao quát lại vừa rất riêng tư. Ai cũng có thể gọi “cô ấy”/ “anh ấy” tuy không có cái tên cụ thể nào nhưng đều nghĩ tới một cá nhân rất đặc biệt. Thậm chí là người ta thường có nhiều những “cô ấy” / “anh ấy”, chúng ta đều từng đi qua vô số những sai lầm. Nhưng giống như  F. Scott Fitzgerald đã từng nói ấy, không bao giờ có hai tình yêu giống nhau, “cô ấy” luôn luôn khác nhau. 

Thật may là khác nhau chứ giống nhau thì khổ tâm lắm!

Xem Her và mình cứ nghĩ tới cái câu mình đã nói mòn cả sông cả núi với người khác và những người khác cũng luôn nói với mình vậy: rồi chúng ta sẽ đều gặp được người phù hợp.

Nếu không được thì…. yêu cái máy tính vậy. Không thì nổi tiếng lưu danh sử sách như H.C.Andersen hay Van Gogh nhé :))))).

p.s: bạn có thể xem Her online tại đây.

Đợi thư,

Hôm nay ở công ty mình đọc được câu chuyện này xúc động lắm lắm.

Chuyện về bạn Cóc và bạn Ếch. Một ngày bạn Ếch gặp bạn Cóc mặt mũi buồn thiu mới liền hỏi thăm thì bạn Cóc mới bảo, ừ đúng rồi, đây là thời gian buồn nhất trong ngày vì tớ đang đợi thư, mà không bao giờ có ai viết thư cho tớ cả. Bạn Cóc đợi hết ngày này qua ngày khác mà không có bức thư nào được chuyển tới.

Thế là hai bạn cùng ngồi thừ cả người.

hqdefault

Cuối cùng bạn Ếch quyết định về nhà và viết một bức thư, nhưng “sáng suốt” thay lại nhờ ốc sên đi gửi.

FrogToadFriends5

Rồi sang nhà Cóc cùng ngồi đợi thư, đợi mãi, đợi mãi mà không thấy thư tới. Đến đây Cóc trở nên tuyệt vọng, không có ai viết thư cho tớ cả và sẽ chẳng bao giờ có ai viết hết. Ếch thấy vậy mới bảo, tớ đã viết cho cậu một bức thư mà, tớ viết là “Cậu là người bạn tốt nhất của tớ“.

Thế là cả hai đứa mừng rơn. Lúc lâu sau bạn ốc sên mới chuyển thư tới nơi. Cơ mà chậm còn hơn không.

Câu chuyện này vô cùng đơn giản, câu từ vần điệu đọc lên nghe rất thấy ấm lòng. Lại nhớ mình với con bạn ở bên Úc, suốt ngày FB với nhau ầm ầm nhưng vẫn bày đặt viết thư tay 6-7 trang giấy cho nhau. Nhận được thư thấy phấn khởi vô cùng.

Cảm giác đợi một bức thư tay rất thú vị, nó khác hẳn với email. Nhìn được nét chữ viết tay cũng giống như nghe được giọng nói chứ không chỉ nhìn chữ hiển thị màn hình. Thấy thân thương hơn nhiều lắm!

Cho nên nếu có điều kiện thì hãy viết thư cho nhau đi. Chả biết liệu có ai như bạn Cóc ngày nào cũng có một thời gian buồn ơi là buồn vì chờ thư mãi chẳng thấy đâu.

p.s: cuốn này tên là The letter trong bộ  Frog and Toad Are Friends của tác giả Arnold Lobel