giải cứu,

Mình xem lại Saving Mr.Banks lần thứ 3 (vì hôm nay mới có bản HD) và ngày càng thấy xúc động, hơn cả lần đầu tiên (sao lại có cái phim gì mà mình xem lần nào cũng khóc thế này huhu).

Điều cuối cùng giúp Walt Disney thuyết phục được Ms.Travers ký giấy bản quyền cho Mary Poppins là lời hứa ngài Banks sẽ được cứu, sẽ không còn thất vọng trên màn ảnh, trước sự chứng kiến của cả thế giới. Chi tiết này làm mình nhớ tới một câu Hayao Miyazaki từng tâm sự rằng ông làm hoạt hình để có khả năng trao cho người xem một cơ hội thứ 2, một hy vọng tốt đẹp. Mình biết phim Disney nhiều khi gây cảm giác sáo mòn rằng vì dành cho trẻ con nên cái kết luôn phải đẹp. Nhưng mình nghĩ cũng không hẳn là vậy. Có những câu chuyện, những nhân vật mà mình tha thiết mong họ đạt được điều họ muốn, họ được hạnh phúc trong một cái kết màu hồng sến sụa.

Saving Mr Banks

Những tác phẩm tưởng tượng như những bộ phim của Disney, hay Mary Poppins, không phải sự huyễn hoặc bản thân để nhắm mắt trước một cuộc sống tồi tệ, cũng phải sự ngây thơ trẻ con vô dụng khi chúng ta đã lớn và bước vào xã hội phức tạp. Mình nghĩ, hơn thế, giống như cái cách Ms.Travers đã dùng câu chuyện của mình để lưu giữ những ký ức quý giá, chọn một cách khác để nhớ về những nỗi đau cũ chưa lành, giải cứu quá khứ để xoa dịu hiện tại.

banks3

Đôi lúc mình thấy người ta dùng cụm từ “cho trẻ con” như một cách hạ thấp tác phẩm. Có lần một bạn họa sĩ xem picture book ♥ mình vẽ rồi nhíu mày khó hiểu hỏi “cái này cho trẻ con à?“. Mình hiểu cậu bạn đấy cố gắng giữ phép lịch sự không chê bai nhưng vẻ mặt và thái độ của cậu ta nói rõ rằng cậu ta không đánh giá cao những gì mình vẽ. Và việc nhận xét rằng chúng dành cho trẻ con là lời chê kín đáo, nhẹ nhàng nhất, kiểu như là tranh vẽ trẻ con, không mất nhiều sức, không ‘cao cấp’, không trình độ. Người ta cũng nói trẻ con như đặc tính tiêu biểu cho những gì đơn giản, vui vui, dễ hiểu, mơ mộng, không thực tế, và…. chỉ dành cho trẻ nhỏ thôi. Điều đó không đúng!

SAVING MR. BANKS

Chúng ta đều từng là những đứa trẻ. Đó là những ký ức tồn tại và rất thật. Những câu chuyện, với mình, mục đích cao nhất không phải vấn đề dành cho người lớn hay trẻ con, mà là chúng có thể tạo được sự đồng cảm với người đọc, người xem hay không. Những tác phẩm với đề tài và cách thể hiện được mặc định là dành cho trẻ em, không có nghĩa là chúng chỉ dành cho khán giả nhỏ tuổi. Chúng ta đâu thể dám chắc rằng không có đứa trẻ nào trong những người đã trưởng thành cần được giải cứu, đâu thể phủ nhận mọi ký ức quá khứ đều không cần những hy vọng mới. Mọi cái kết đẹp (trong các tác phẩm *được cho* là dành cho thiếu nhi), dù là hoa lá hẹ, hồng sến đi chăng nữa, đều phản ánh mong muốn được trao đi hy vọng, như cách bác Hayao đã nói “một cơ hội thứ hai“.

Xét cho cùng, đâu có quy định ranh giới lứa tuổi nào cho việc đọc hay xem các tác phẩm để khiến chúng ta cảm thấy tốt đẹp chứ? Nếu lớn đầu rồi tắm chậu vẫn thấy vui thì sao không tắm? Nếu những câu truyện cổ tích vẫn làm ta yêu quý thế giới hơn (dù nó còn nhiều điều tồi tệ) thì sao không đọc?

Ngay cả người lớn, một lúc nào đó trong cuộc đời trưởng thành của mình, cũng được quyền làm một đứa trẻ như mình đã từng và điều đó chẳng có gì đáng xấu hổ.