Tập Midnight này có cấu trúc khá đơn giản, câu chuyện chỉ diễn ra trong một khoang…. ờ, tàu vũ trụ mà giống máy bay, với 6 hành khách và 1 tiếp viên, cộng với Doctor lên lậu vé. Tập phim cũng không có quá nhiều hành động, chủ yếu tập trung vào lời thoại, không có kiến thức khoa học nào được ra trong tập này. Ban đầu, mọi người đang rất vui vẻ trò chuyện làm quen với nhau trên hành trình tới thăm một địa điểm du lịch trên chuyến bay dài 4 tiếng. Họ thấy có cảm tình với nhau. Rồi bỗng nhiên con tàu dừng lại, không rõ lý do. Họ phải chờ thêm một tiếng ở đó trong khi đội cứu hộ tới. Mọi chuyện kinh khủng diễn ra trong vỏn vẹn một tiếng đồng hồ ấy.
Một thứ gì đó không xác định bỗng nhiên xuất hiện và…. gõ cửa. Mọi người bắt đầu lo lắng, vì họ đang ở giữa một nơi trên lý thuyết không thể tồn tại bất kỳ thực thể sống nào. Trong số ấy có một người phụ nữ tên Sky là mất bình tĩnh nhất, bà ta cho rằng thứ gì đó kia đang bám theo bà ta. Và sau đó thứ gì đó đã chui vào đầu bà ta thật.
Thứ gì đó ban đầu không thể điều khiển được cơ thể của Sky, nó mới chỉ có thể nhìn thấy mọi người, câm lặng. Sau đó nó bắt đầu lặp lại mọi thứ mọi người nói. Đó là một cảm giác cực kỳ khó chịu và dần trở nên đáng sợ khi cứ có một người nhìn bạn chăm chăm và lặp lại chính xác từng từ bạn thốt ra. Thứ gì đó học hỏi rất nhanh, tiếp thu mọi thứ nó tiếp xúc được trong môi trường 6 con người hoàn toàn bình thường ấy (và ‘siêu sao’ Doctor). Mau chóng nó nói cùng lúc với những gì người khác nói, không còn là lặp lại nữa mà đồng thanh nói. Tất cả mọi người bắt đầu hoảng loạn thực sự. Rồi từ sự hoang mang ấy họ đưa ra phương án là ném Sky ra ngoài (cho chết). Doctor một mực phản đối phương án độc ác ấy, anh cố gắng tìm hiểu mọi chuyện để đưa ra phương án giải quyết phù hợp. Thứ gì đó tiến hóa không ngừng, cuối cùng nó ăn cắp được giọng nói của Doctor – người thông minh nhất ở đó, giờ thì anh là người lặp lại mọi điều nó nói. Nó gieo rắc vào đầu mọi người sự nghi ngờ với mục đích của Doctor, và họ bắt đầu quay ra khiển trách anh. Họ tính ném anh ra ngoài.
Câu chuyện chủ yếu xoay quanh diễn biến tâm lý của các nhân vật khi có một sự kiện chưa giải thích được xuất hiện, từ khởi điểm ban đầu là những con người lương thiện bình thường cho tới những kẻ sẵn sàng giết chết người khác vì sự bất an của chính mình.
Điều gây ra cảm giác kinh khủng của mình khi xem tập phim này là nó rất…. đúng. Nó chuẩn xác với những phản ứng tầm thường nhất của con người trong cuộc sống thường ngày. Nó chính xác đến mức gây sợ hãi, vì giống như bạn đang bị lột trần, rồi bị nhìn chằm chằm, xuyên thấu vào tận bản chất, tất cả những gì bạn muốn giấu diếm, chôn vùi, làm lơ hay lãng quên. Khi đứng ngoài nhìn vào, ta có thể sẽ nói những hành khách ấy làm vậy là không có lương tâm, là tàn nhẫn, nhưng đồng thời ta cũng có chút băn khoăn rằng liệu mình đặt trong hoàn cảnh như vậy, mình có sẵn sàng hùa theo người khác với cái ý tưởng giết một con người vì nghĩ cô ta nguy hiểm hay không? Tình huống mâu thuẫn của câu chuyện này khiến mình thấy nghi ngờ bản thân, nghi ngờ khái niệm ‘nhân tính‘ – liệu nó có thể tồn tại vào những khoảnh khắc khắc nghiệt nhất, khi chúng ta cần nó hơn bao giờ hết?!
Con người thường dễ sợ hãi những gì nằm ngoài tầm hiểu biết, nhận thức và kiểm soát của mình. Những cái ‘mới’ hay làm họ có đôi chút hoặc rất nhiều hoảng hốt. Ngay lập tức cơ chế phòng vệ của họ xuất hiện, họ có thể phủ nhận sự hiện diện của cái ‘mới’ (như một số hành khách ban đầu một mực cho rằng tiếng ‘gõ cửa’ ấy chỉ là đá rơi vào thành tàu), sau khi không thể phủ nhận được nữa họ bắt đầu mặc định rằng thứ gì đó không xác định tức là mối nguy hiểm tới họ, họ chỉ nhìn thấy những biểu hiện phù hợp với niềm tin tức thời của mình, mà không thể nhìn nhận được toàn diện các khía cạnh của vấn đề. Khi cảm thấy nguy hiểm cao độ, họ bắt đầu phản kháng, bám lấy sự sợ hãi của bản thân, bám lấy sự bao biện rằng ‘mọi người đều làm vậy‘ để tấn công thứ không biết.
Tập phim còn đề cập tới vấn đề ‘cái tôi’ cá nhân. Doctor vốn là người cực kỳ thông minh, nhạy bén lại có tấm lòng nhân ái, nhưng anh đã rơi vào thế cùng quẫn, bất lực, trở nên vô dụng khi bị cướp mất ‘giọng nói’. Giọng nói ở đây vừa là giọng nói nghĩa đen, vừa là một ẩn dụ cho những ý kiến, suy nghĩ, tư tưởng, hiểu biết của từng cá nhân. Khi bị cướp mất những ‘định nghĩa’ đó một con người không còn là con người ấy nữa.
Mình cũng bắt gặp ý tưởng về việc tàn phá ‘định nghĩa bản thân’ này trong phim Sherlock. Khi Moriarty không chọn cách bắn đoàng phát vỡ sọ chết tươi Sherlock (thậm chí tàn bạo hơn là tra tấn, hành hạ, giết từng người thân yêu của Sherlock trước mắt anh) mà lại lên một kế hoạch tỉ mỉ, cầu kỳ, để đập nát định nghĩa về Sherlock trong mắt những người khác, hơn hết là lòng tin của họ ở anh. Đây mới chính là một đòn chí mạng với ngay cả một thiên tài như Sherlock Holmes.
À mà có khi chỉ những thiên tài mới coi trọng định nghĩa bản thân và lòng tin sâu sắc đến vậy?! Maybe….
Mình thực sự rất nể phục Russell T David (và cả đoàn làm phim DW nói chung), vì ông có thể viết một kịch bản kể một câu chuyện bóp nghẹt suy nghĩ và cảm xúc của mình đến vậy chỉ trong vỏn vẹn 45ph.
Thật là quá tởm!