bài học

Có một điều ám ảnh trong các tác phẩm (từ sách truyện đến phim ảnh, kịch nghệ…) – mà chính xác là ám ảnh các tác giả – dành cho thiếu nhi ở Việt Nam từ bấy đến giờ: câu chuyện này dạy bài học gì?

Câu hỏi thường xuyên của các bậc “người lớn”: truyện này có giá trị gì, dạy trẻ con cái chi chi? 

Mình không bao giờ nghĩ tới vấn đề này trong lúc sáng tác (xin lỗi các bậc “người nhớn”). Cơ bản, mình không muốn dạy dỗ ai cả (mà mình cũng chẳng có khả năng sư phạm) và lo lắng về chuyện này là vô ích. Bởi mọi câu chuyện tự thân sinh ra (có chủ đích) đã có một ý nghĩa nào đó rồi.

Thật, bạn cứ thử nghĩ xem, làm gì có chuyện gì kể ra mà không thể “học” được điều gì (có điều là hay hay dở thôi). Có những câu chuyện chỉ kể về cảm xúc (vui, buồn, đau khổ, phấn khích, lo âu…), cái khác lại về những sự kiện, về lịch sử, về văn hóa, về một ý tưởng, một suy nghĩ, một chút quan sát… Những câu chuyện là những trải nghiệm (và ý tưởng) – từ tác giả đưa tới cho độc giả. Trải nghiệm lại không phải là ‘học tập’ sao? Làm ra cái mới không phải là sản phẩm cao nhất của việc ‘học tập’ hay sao?

Ngay cả những câu chuyện nghe qua có vẻ rất nhảm nhí như con vịt ngày nào cũng vào quán bar hỏi có bán đinh không. Một ngày kia nó không hỏi đinh mà lại hỏi có bán gạch không. Tất nhiên, chủ quán trả lời không. Thế là con vịt lại hỏi thế bác có bán đinh không. ‘Bài học’ ở đây có thể là sự ‘kiên trì’ mà không có suy nghĩ thì sẽ không dẫn tới một kết quả gì hết, hay nói rộng ra thì tư duy lối mòn sẽ chỉ mắc kẹt trong những ngõ cụt.

Vấn đề của những người kể chuyện chỉ là kể làm sao cho hay, cho chân thật, khéo léo bày tỏ sự tôn trọng với độc giả bằng việc không đập thẳng vào mặt họ những bài học giảng giải, đánh vần từng chữ kiểu họ bị mù chữ. Thật ra, mình nghĩ trẻ con vốn rất thông minh, chưa kể chúng có sức tưởng tượng phi thường, chúng ta không cần phải câu nệ thuyết giáo đạo đức cho chúng. (à, ‘đạo đức’ lại một khái niệm tương đối khác)

Sáng tác mà cứ phải đặt vấn đề dạy dỗ lên hàng đầu thì sẽ giống lên lớp, giảng cho kịp, cho đúng giáo án. Thế chả vui! Cả người dạy lẫn người nghe đều vậy. Chơi mới thích. Chơi đúng kiểu mới là cách học hay ho nhất.

19.1.14

Nhân dịp wordpress hết bị chặn, phải viết một bài chào mừng *chấm nước mắt*

Mình đã nói là mình ghét xem phim truyền hình nhiều lắm rồi đúng không? Ghét bởi vì nó nhiều tập, cứ phải xem mãi, rất mệt. Nên ngày trước mình thích Sherlock vì mỗi season chỉ có 3 tập thôi đó. Mini series vậy mới chịu được.

Xong giờ mình lại chết chìm với Doctor who, mà cái phim truyền hình này tính nguyên phần làm lại từ 2005 đã 7 season rồi @.@, mỗi season 13 tập…. chưa kể bản cũ từ những năm 1964. Ban đầu mình khá ngần ngại xem thử vì thấy nó quá dài. Quá dài với sức chịu đựng bình thường của mình. Chưa kể kỹ xảo và tạo hình của phim nhìn khá…. cũ và a ma tơ. Đây là do ‘định kiến’ hình thành từ việc đã xem quá nhiều phim hành động, khoa học viễn tưởng kỹ xảo mướt mát của Mỹ.

các Doctor qua các thời kỳ

Đây đúng là phim truyền hình ‘thập cẩm’ trong mơ của mình (tất nhiên, bên cạnh Sherlock), hòa trộn giữa khoa học viễn tưởng (có sức sáng tạo phong phú, đồ sộ, phải nói là mind-blowing), một chút kinh dị (thật ra nhiều đoạn sợ bỏ mẹ ; v ; , mình xem một mình buổi đêm toàn phải tự nói chuyện một mình cho đỡ sợ), hài hước, thông minh, sâu cay mà tình cảm, động tới đủ mọi lĩnh vực, chủ đề (từ khoa học tới lịch sử, tôn giáo, văn hóa, xã hội…v…v.) với cách kể chuyện cực kỳ cuốn hút, chặt chẽ và thú vị. Thật lòng cũng chả hiểu sao mấy con người đó làm được vậy mà vẫn không hề thấy phim bị chắp vá, lộn xộn.

Có những tập xem phải nói là cực kỳ xúc động, bởi cách các nhà làm phim kể về nỗi cô đơn với sự tồn tại trong thời gian của con người. Nhân vật chính – Doctor là một ‘cá thể’ (quên, suýt nữa viết là con người nhưng anh không phải con người) lạc lõng trong cả chiều thời gian lẫn không gian vô tận. Anh được tin là cá thể cuối cùng của dân tộc mình, cả hành tinh của anh đã biến mất (sau này thì có tập đã đưa ra lý giải khác cho sự biến mất này). Anh lang thang trong vũ trụ và thời gian trong một cỗ máy Tardis, không ngừng tìm kiếm lại quê hương và ý nghĩa của sự tồn tại. Trong quá trình ấy, anh và những người bạn đồng hành của mình đã có những cuộc phiêu lưu khắp các hành tinh.

Thật ra mình chưa xem hết được cả 7 season, mình vẫn đang xem. Khi nào xem hết xong mình sẽ viết lại tổng kết một thể sau.

Đây là Doctor 10th mà mình thích nhất huhu. Hình như anh cũng rất được cưng nên được đóng từ season 2 đến 5 lận.