Dead poets society

dead-poets-society-mid

“Ai nói rằng từ ngữ và những ý tưởng không thể thay đổi được thế giới này?”

Mình vừa xem xong bộ phim này. Đây là một tác phẩm rất xúc động (móa, khóc tóe loe). Có nhiều thứ quá không biết viết cái gì trước nữa… hay thôi ngồi khóc nốt, mai viết =)).

Mình thích cách kể chuyện của bộ phim này, đủ nhẹ nhàng mà vẫn lay động, không lên gân, căng thẳng.  Như có lần mình đã viết về câu chuyện của một nữ họa sĩ truyện tranh và việc cô ấy chọn đặt niềm tin của mình vào những điều cá nhân cô ấy cảm nhận được – đó là khởi nguồn sáng tạo của cô ấy. Trong Dead poets society cũng có một tình tiết khiến mình liên tưởng tới câu chuyện ấy, là khi thầy Keating dồn Todd – một câu bé nhút nhát, dè dặt –  vào chân tường và ép cậu bật ra những từ ngữ xuất hiện trong tâm trí cậu một cách hồn nhiên, và cậu đã làm được một bài thơ. Mình tin rằng đó là điểm khởi đầu trong trẻo nhất của thơ ca, hay âm nhạc, hội họa… bất kỳ một hình thức nghệ thuật nào – từ cảm xúc chân thật của những người sáng tạo. Với nghệ thuật (híc, xin lỗi lại dùng cái từ to tát này) người sáng tác phải được trải nghiệm những điều thuần khiết và khiến họ thấy thoải mái nhất với bản thân mình, cho dù bên ngoài họ có nhút nhát, có cứng nhắc hay gò bó đến đâu.

Chẳng nói đâu xa, chính mình đã có trải nghiệm rất sâu sắc với việc đó. Mình là đứa bên ngoài khá dè dặt, khá an toàn, mình ít khi có hành động thái quá hay điên rồ gì (vd như là mình sẽ không nhảy lên bàn và gào lên YOLO (◡‿◡✿)  ). Mình không thích đứng trước đám đông, nói trước đám đông (hay làm bất kỳ trò gì trước đám đông), thậm chí khi chia sẻ tâm sự gì đó với người khác thường sau đó mình cũng cảm thấy hơi… ân hận. Mình luôn cảm thấy rất khó khăn khi đến gần người khác, mình luôn có cảm giác khi mình rất nhiệt tình với họ, khi tình cảm cảm mình dành cho họ được dồn nhiều lên thì họ sẽ dần…. chán mình =))). Họ dần lảng đi. Nhưng nếu mình nói ra vậy, họ thường sẽ chối, họ sẽ làm gì đó cho mình thấy an tâm trở lại nhưng việc này không khiến họ bớt chán đi (chắc chỉ làm mình bớt chán thôi). Well, đó không phải lỗi của ai cả và không phải điều có thể gượng ép được, tuy họ có cố làm gì để khiến mình không thấy bị tổn thương thì… cũng vẫn vậy thôi – chuyện này nằm ngoài khả năng và cũng không liên quan tới họ. Đây là một vấn đề hoàn toàn riêng tư.

Mỗi người sẽ tìm được một cách mà họ cảm thấy thoải mái nhất để thể hiện bản thân mình. Ví dụ như Neil là diễn kịch. Hay một vũ công là nhảy múa, một ca sĩ là hát, một nhạc sĩ là viết nhạc, hay một kế toán viên là làm việc với những con số….v…v… hoặc cũng có khi là kéo một đám bạn vào một cái hang và cùng nhau đọc những vần thơ của những nhà thơ đã chết từ đời tám hoánh. Với mình đó là việc vẽ truyện. Mình luôn là một đứa có vấn đề trong việc hòa nhập cộng đồng (bệnh khá nặng hén) =)), từ hồi mới đi học mẫu giáo luôn =))). Nhưng việc vẽ truyện (hoặc kể chuyện, hồi cấp 1 mình toàn làm ‘biên kịch’ cho bọn bạn cùng lớp chơi đóng kịch cho vui, trước giờ ngủ trưa ấy, bọn mình luôn có một vở kịch nhỏ nhỏ, ngày nào cũng vậy), xin lỗi việc tư duy kiểu trẻ con, đã giúp người khác chú ý tới mình, họ chủ động tới làm bạn với mình.  Mình phát hiện ra chuyện này từ khá sớm và đã luôn cố gắng “lợi dụng” nó (ღ˘⌣˘ღ).  Nó đã luôn là việc khiến mình cảm thấy yêu quý, hài lòng với bản thân – feel good about myself ấy. Mình đã luôn dùng nó để xoa dịu bản thân mỗi lúc có chuyện.

Thật ra mình không hoàn toàn thoải mái với việc viết đâu, viết cũng vui nhưng mình không thấy rằng những gì mình viết giống mình nhất ~ nah.

Chết, lan man quá, quay lại bộ phim. Mình luôn tin văn học là một trong những cách dịu dàng và dễ chịu nhất để học cách nói chuyện với bản thân. Mình đã học đọc bằng những câu chuyện. Mình đã đánh vần từng từ trong những tập truyện cổ tích để học đọc. Và mình rất coi trọng chúng, mọi câu chuyện mình được biết, mình coi chúng “nghiêm túc” như nhau. Vì mình coi trọng cảm xúc của mình nên mình cũng coi trọng cảm xúc của người khác – những người đã đủ dũng cảm để phơi bày những điều dễ tổn thương ấy cho thiên hạ thấy. Và khi chúng ta yêu thích một tác phẩm nào đó, một cuốn tiểu thuyết, một bộ phim, một bản nhạc…. là bởi chúng đã khơi gợi được xúc cảm, kỷ niệm gì đó trong chúng ta, Chúng ta đồng cảm và thấy biết ơn với sự quả cảm để dễ bị thương tổn ấy – rằng ai đó cảm thấy giống ta mà dám nói ra và còn nói rất hay, rất thấm thía.

Cũng như khi mình viết ra những chuyện như là mình có vấn đề với giao tiếp xã hội thông thường, mình hay né tránh, hay âm thầm bỏ đi trước vì mình không muốn mình là người bị bỏ rơi…. mình thấy mình thật nhảm nhí và… yếu đuối. Mình không muốn là người bị bỏ rơi bởi việc đó sẽ khiến mình thấy rất tệ hại về bản thân. Nó trái ngược hoàn toàn với cảm giác khi kể chuyện. Nhưng mặt khác, mình không hoàn toàn thấy nuối tiếc với việc này, bởi nó là thứ khiến mình kể được những câu chuyện có thể đồng cảm với người khác. Kể một câu chuyện từ niềm vui thì khó sẻ chia lắm nhưng kể một câu chuyện bắt nguồn từ những nỗi buồn hay sự tuyệt vọng thì trời ơi sẽ có một lúc nào đó bạn sẽ cảm nhận được từng hình ảnh, từng câu từ trong ấy. Ừ, mình hay kể chuyện vui, chuyện buồn cười nhưng chúng xuất phát từ sự sầu thảm, từ nỗi buồn chán chồng chất. Thế nên có lần trả lời phỏng vấn, động lực nào khiến mình vẽ picture book thì đó là mình muốn hết buồn chán, vậy thôi.

Penelope ~ Mũi lợn yêu quý

Một trong những bộ phim tình cảm hài hiếm hoi mình cực kỳ yêu thích là Penelope, với Christina Ricci xinh ngất ngây và James McAvoy mắt xanh trong vắt và cười đẹp muốn truỵ tim.

(Đây khuyến mại chị em) 

Bộ phim này mang màu sắc cổ tích, có chút phép thuật, phù thuỷ, một lời nguyền xuyên thế kỷ, sự hài hước châm biếm, và rất nhiều điều đáng yêu, ngọt ngào. Điều mình thích ở những bộ phim như Penelope là cảm giác vui vẻ thuần khiết, không giả bộ gượng gạo, không màu mè sến súa – là thứ những bộ phim gần đây hiếm khi đem lại cho mình. Một câu chuyện thực sự feel-good. Hình như người ta không còn làm những tác phẩm đơn giản dễ chịu như vậy nữa. Mình không còn thích nổi một phim đoạt giải Oscar nào nữa từ sau The king’s speech.  Không còn những Forrest Gump, A beautiful mind, Shakespeare in love, Million dolars baby… Những bộ phim Oscar gần đây đều làm mình mệt mỏi, Birdman, Spotlight, Moonlight, Argo…

Penelope kể về một cô gái mang lời nguyền của gia tộc, có cái mũi và đôi tai của lợn. Lời nguyền chỉ có thể được hoá giải khi cô được một người đồng loại (cùng đẳng cấp) chấp nhận yêu thương. Khi Penelope tròn 18, mẹ cô điên cuồng tổ chức tuyển trai con nhà quý tộc nhằm cứu vớt cái mũi lợn của con gái.

(Mũi lợn vẫn cu te hạt me thế này cơ mà) 

Mọi chàng trai được mai mối đều bỏ chạy thục mạng khi nhìn thấy cái mũi của Penelope, chỉ khiến cô tổn thương và mất lòng tin lẫn hi vọng vào tình yêu sẽ giải cứu mình khỏi lời nguyền. Mọi chuyện thay đổi khi cô gặp Max (hay chính xác hơn là Johnny). Một anh chàng nhạc sĩ sa cơ lỡ vận ngập trong cờ bạc.

Max ban đầu chỉ đến gặp Penelope vì tiền dành đánh bạc, để chụp được một tấm ảnh cô bé nổi tiếng đã bị giấu tiệt trong nhà mấy chục năm nay. Nhưng mọi chuyện lại không như tưởng tượng của anh một khi anh đã được trò chuyện và tiếp xúc với Penelope, dù chỉ qua một tấm gương một chiều mà cô trốn đằng sau.

Thông điệp của bộ phim thì không có gì mới, nhưng cách kể chuyện vừa hài hước vừa dịu dàng đã giúp truyền tải thông điệp ấy một cách đầy thuyết phục, đáng tin. Có thể Penelope chạm vào weak spot của mình mà mình luôn thấy xúc động mỗi khi xem lại, dù là khi mình còn độc thân hay đã có người yêu-được-cả-cái-mũi-lợn-của-mìnhCái mũi lợn là một ẩn dụ cực hay cho những ẩn ức hết sức con gái. Da đầy mụn, chân bị cong, tay nhiều lông, mũi tẹt dí, bụng có ngấn… tất cả đều có thể là cái-mũi-lợn của một cô gái nào đó, một (hay nhiều) điểm mà ta thấy xấu xí, thấy chán ghét về cơ thể mình, là lời nguyền bố mẹ truyền cho ta :))). Phải chăng chúng ta đều mong có thể tự chấp nhận, tự yêu mến, cải thiện bản thân và một người yêu ta chân thành ngay cả khi ta vẫn còn cái mũi lợn ấy?

Mình cũng đã nói chuyện, chỉ nghe giọng nói của nhau với người yêu mình khá lâu trước khi hai đứa biết mặt nhau. Mình thậm chí đã đem lòng yêu một người mình chưa từng gặp. Đôi lúc mình nghĩ mình đã dám làm những chuyện nghe chừng dở hơi và đầy hiểm nguy ấy là nhờ những bộ phim như Penelope, hay A beautiful mind – những câu chuyện tin tưởng vào tình yêu, rằng tình yêu chân thành sẽ giúp chúng ta tốt đẹp hơn, sẽ hoá giải mọi cái mũi lợn ta giữ trên mặt hay trong lòng mình.

Mỗi lần nghe lời khuyên phụ nữ phải đẹp để giữ chồng (sao hiếm khi nghe ai chỉ các anh cách giữ vợ?) hay lỡ đọc phải những bài báo kể chuyện lừa dối, phản bội, những thảo luận trên webtretho hay eva gì đó của các bà mẹ, hay xem phim như How to get away with a murder, mình lại thấy chán nản kinh khủng. Không phải vì họ sai, điều đó có thể đúng trong thế giới quan của họ. Mình chán nản bởi đã để đầu óc bị vây quanh bởi những điều tiêu cực, đã để những hạt mầm nghi ngờ được nuôi dưỡng. Tại sao chúng ta cứ thích hóng những chuyện đau khổ như vậy, chuyện ai đó đã ngoại tình với ai đó, ai đã phụ bạc ai đó…? Chúng ta có thể run rẩy sợ hãi, lại thở phào mừng vì chuyện đó không xảy đến với mình, rồi lại canh cánh, đề phòng chuyện đó có thể xảy ra… Rồi lại say đắm những câu chuyện đau khổ.

Tất nhiên, những chuyện tồi tệ vẫn luôn xảy ra. Nhưng hãy tập trung vào những điều tử tế hơn được chứ? Thay vì đọc vài bài báo về vài cô nàng phá hoại gia đình người khác, vài anh chàng chán cơm thèm phở… hãy xem bộ phim ngọt ngào, dễ thương như Penelope đi :))).