Ngày xưa xem Peter Pan tôi cực kỳ ấn tượng với một chi tiết: mỗi khi có ai đó nói rằng họ không tin vào những điều thần tiên thì sẽ có một vị tiên chết đi. Tôi bắt gặp lại niềm tin này trong phim Sự trỗi dậy của các vệ thần.
Nếu diễn đạt ra bằng lời thì thấy thông điệp của phim này cũng hơi… sên sến. Cái loại thông điệp mà nếu nói không khéo dễ thành sáo rỗng, hô hào. Kiểu là: hãy có niềm tin vào những điều kỳ diệu, để khiến cuộc sống trở nên đẹp hơn… blah blah. Biết vậy, nhưng tôi vẫn thấy rất xúc động khi xem bộ phim này (cả vì mặt hình ảnh của bộ phim quá mãn nhãn nữa).
Hôm nay cũng vừa xem vlog mới nhất của JV, nói về việc làm thế nào để thực hiện ước mơ. Tôi không muốn nói nghe như một kẻ… đạo đức giáo điều, nhưng mà cái vlog lần này của JV khiến tôi thực sự thấy khó chịu. Xem xong cả vlog tôi chỉ rút ra một điều rằng JV đang cố tình cười nhạo những người hay hô hào tôi có ước mơ này khác nhưng rỗng túi, kiểu anh đếch có tiền nhưng anh có ước mơ. Tôi lặng lẽ unsubcribe và unlike page của JV luôn. Giờ cậu ta đã nổi tiếng, có tác động được tới một bộ phận giới trẻ và cậu ta bắt đầu lên giọng hơn người. Những vlog gần đây chỉ toàn chửi bới, móc mỉa (ngày xưa là trào phúng, giờ chỉ còn hằn học ném đá thôi). Cậu ta cười nhạo những kẻ giả tạo nhưng liệu việc chửi bới như vậy có khiến cậu ta “thật” hơn những kẻ đó hay không?
Trong bộ phim Sự trỗi dậy của các vệ thần, có một chi tiết về việc các vệ thần phải tim được điều cốt lõi của mình. Như với ông già Noel là một đứa đứa trẻ với đôi mắt tò mò, luôn mở to và nhìn thấy được mọi điều thú vị ở thế giới xung quanh, của Jack Frost là niềm vui vô tư lự, của thỏ phục sinh là đem lại khởi đầu mới – hi vọng mới…. Nói gọn lại thì, trong mỗi việc mình làm, cần có một điều cốt lõi, cho dù là nhỏ bé, để dẫn dắt mọi hành động về sau. Tôi thấy điều này đặc biệt quan trọng với những người làm sáng tạo – họ cần có một niềm tin cốt lõi, thứ đã ăn sâu vào tâm hồn của họ làm nguồn gốc cho những sáng tạo của họ. Điều này chính là thứ tạo ra phong cách, cá tính riêng.
Tôi nghĩ JV không còn mục đích gì với việc làm vlog. Không còn là ‘cho vui’ nữa rồi. Nếu không còn mục đích rõ ràng thì chẳng thể sáng tạo được cái gì ra hồn. Vlog giờ là cái sọt rác để cậu ta trút bực tức. Thật đáng tiếc! Đám đông quá sức nguy hiểm!
Khi tiếp xúc với ai đó nói rằng họ có ham muốn sáng tác truyện (dưới bất kỳ hình thức, thể loại nào) tôi thường có cảm giác về việc liệu họ có thể kể được một câu chuyện nào đó hay không – dựa vào việc họ có thể hiện sự tin tưởng sâu sắc, có quan tâm rất rất nhiều tới điều gì đó hay không. Như bác Dr.Seuss từng viết, trừ khi có ai đó quan tâm nhiều kinh khủng lên được thì mới có thể thay đổi được cái gì đó. Nói cách khác, họ phải có được cái con búp bê bằng gỗ, vẽ sơn lên khuôn mặt bản chất của họ giống của ông già Noel và Jack. Chừng nào họ chưa làm được con búp bê ấy thì tôi vẫn sẽ còn nghi ngờ những tác phẩm họ tạo ra.
Mỗi lúc viết một câu chuyện mới, tôi đều muốn đi tới một cái đích cuối cùng là “mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”. Không phải là lậm những cái kết cả nhà đều vui, mà là đem lại cảm giác dễ chịu và tin tưởng rằng sẽ ổn cả thôi. Mỗi người sáng tạo có quyền lựa chọn cách bày tỏ quan điểm, chọn cách tác động tới khán giá/ độc giả riêng. Nhưng, như tôi đã luôn viết về điều này, tôi muốn những niềm vui, sự tin tưởng, vì nếu cần sự u ám thì chúng ta cần sống (không) thôi là đủ rồi (thậm chí thừa mứa ấy chứ). Tôi sẽ chỉ đem tới cho độc giả của mình những gì tôi thích thú – đây là quan điểm sáng tác của tôi. Mỗi tác giả sẽ chọn một “đặc sản” cho mình, tôi chọn sự vui vẻ (có cả những điều tiêu cực nữa nhưng không phải là để cùng nhau lao xuống hố đen).
Vậy nên sẽ không chuyện rằng ai đó mỉa mai hay làm tôi cáu điên rồi tôi ném cục tức đó vào một câu chuyện gì đó rồi quẳng vào mặt độc giả (vô tội) của mình đâu.
Ôi những người…. những makers-make-something làm gì cũng phải tôn trọng khán giả của mình một chút chứ, không có họ thì bạn làm ra cho ai đọc, ai xem?

“Nhưng, như tôi đã luôn viết về điều này, tôi muốn những niềm vui, sự tin tưởng, vì nếu cần sự u ám thì chúng ta cần sống (không) thôi là đủ rồi (thậm chí thừa mứa ấy chứ)”
Câu này của em giống ý ss thế, ss hay bảo mẹ là ss k xem, đọc những gì u ám căng thẳng đâu vì ss thấy cuộc sống đã quá căng thẳng và đủ rồi.
Ss thấy em rất trong sáng … và thích đọc, xem những gì em viết, vẽ. Cảm giác rất trong trẻo, ấm áp í 😀
Còn như bạn JV kia thì ss có xem đúng 1 cái nói về internet hay sao ấy, ss thấy ở VN bây giờ thích chê nhau quá, kiểu khen thì ít nhưng chê rồi vào hùa với nhau rất là nhanh.
LikeLike
em vẫn đọc hoặc xem những câu chuyện buồn, đau khổ, nhưng mà tư tưởng chung của tác giả vẫn là vươn tới những điều tốt đẹp hơn ý. kiểu như là phim All about lily chou chou vô cùng đau đớn nhưng cảnh cuối cùng của phim vẫn đem lại hi vọng nên em vẫn thích xem. chứ những thứ u ám theo kiểu tuyệt vọng, cùng quẫn, không lối thoát thì em chịu ko nổi (; ̄Д ̄)
dân VN đúng là hay chê thật :)))))) hình như ngày xưa em có viết về chuyện này. chê bai, chỉ trích thì rất nhiệt tình, chắc họ cảm giác lúc chê mình có quyền lực hơn, có trình độ hơn. còn khen thì là dưới tầm, là ngưỡng mộ đứng dưới ngước lên trên :)))))).
p.s: thanks ss về lời khen (◡‿◡✿) nhưng có thể…… đó là một ánh trăng lừa dối (ღ˘⌣˘ღ)
LikeLike
Hồi trẻ trâu ss cũng hay chê lắm, đến bây giờ còn không dám đọc lại những gì mình viết. Có lẽ già nên thay đổi~
Nhật hay xây dựng kiểu ánh sáng cuối con đường nhưng nhiều cái đi đường âm u quá ss cũng nản :))
LikeLike