Thể theo lời hứa trong bài giới thiệu sơ lược về picture book trước, một entry phát biểu cảm tưởng (định dùng từ “phân tích” mà nghe hơi quá) về tác phẩm Where the wild things are của tác giả Maurice Sendak.
Đây là một trong những huyền thoại của PB, trong mọi bảng xếp hạng những PB hay nhất mọi thời đại nó luôn đứng ở top đầu (thường là đứng nhất). Tác phẩm đã đoạt giải huân chương Caldecott cho Most Distinguished Picture book vào năm 1964. Và cho tới tận bây giờ, nó vẫn luôn nằm trong danh sách sách bán chạy nhất.
Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm này lại có sức sống lâu bền đến vậy.

Điều đầu tiên tôi muốn kể, Maurice ghét bị gọi là họa sĩ minh họa sách thiếu nhi. Bởi ông cho rằng khi ông sáng tác một cuốn PB, ông muốn truyền tải câu chuyện ấy một cách sâu sắc, đối với cả người lớn lẫn trẻ em. Và đối với ông, những đứa trẻ có những nỗi đau “trưởng thành” cần được tôn trọng. Ông luôn khẳng định “Tôi từ chối việc nói dối lũ trẻ“, “Tôi từ chối thỏa hiệp với đống cứt của sự ngây thơ” (bác ấy dùng từ “bullshit” ạ)… Tôi cảm thấy Maurice vẽ PB không chỉ bởi ông muốn làm lũ trẻ vui thích, mà hơn thế là muốn chạm vào tâm tư sâu thẳm của chúng, vào những nỗi đau không thể đong đếm bằng những năm tháng của sự trưởng thành.
Và bởi cái chạm hết sức tinh tế này mà tác phẩm đã gây được sự đồng cảm mạnh mẽ với nhiều thế hệ độc giả. Tôi nhớ trong Biên niên sử Narnia của C.S.Lewis, có một chi tiết là khi lớn, cô chị Susan không quay trở lại Narnia nữa trong khi người anh cả Peter vẫn trở về (Peter còn nhiều tuổi hơn nhé). Có điều gì đó đeo bám dai dẳng những người kể chuyện hàng thế kỷ qua, về sự đối lập gần như không thể dung hòa giữa một thế giới tưởng tượng đẹp đẽ và một thế giới thực tế trần trụi, và con người ta cứ phải chạy qua chạy lại giữa hai nơi này, nhiều khi như một sự trốn tránh. Trong tác phẩm Chuyện dài bất tận của Michael Ende cũng nhắc tới vấn đề này, rằng khi con người quên đi thế giới tưởng tượng, không quay trở lại vùng đất đó nữa thì nó sẽ dần biến mất mãi mãi. Người ta luôn có hai lựa chọn khi trưởng thành, giữ “đứa trẻ hoang dại” của mình, đứa trẻ hoang dại tin tưởng vô lý vào những điều phi thường, hoặc lãng quên nó đi (và gọi đó là cái giá bắt buộc để trưởng thành ‘ v ‘ ). Điều Maurice đã làm trong cuốn PB này là…. thả đứa trẻ hoang dại trong ông chạy dài trên trang giấy. Và điều này, ít nhiều chúng ta đều mong ước, đều yêu thích, vì ai chẳng muốn có khoảng không vô tư chẳng lo nghĩ. Nhất là những con người quyết định lãng quên đứa trẻ hoang dại để… lớn lên, họ còn nhớ chúng nhiều hơn (còn nếu không thì… tớ chịu đấy!).
Maurice kể khi sáng tác Where the wild things are, ông nhớ lại ngày bé ông là một đứa trẻ nghịch ngợm ra sao và hay bị mẹ phạt không cho ăn bữa nhẹ buổi tối rồi tống lên phòng. Và Max cũng có nỗi buồn bất mãn như vậy. Mẹ mắng cậu là đồ “wild thing” – hay dịch nôm na kiểu tiếng Việt là “nghịch như quỷ”, “đồ quỷ sứ”. Còn cậu thì gào lên “con sẽ ăn thịt mẹ“.
Ừ, nếu mẹ gọi mình là đồ hoang dại, mình sẽ đến ở với bọn hoang dại, không thèm ở với mẹ nữa. Khi Max trở về phòng mình, một khu rừng rậm dần mọc lên, căn phòng biến mất và cậu bơi thuyền qua biển lớn đến với những sinh vật hoang dại.
Liệu có ai còn nhớ mỗi lần dỗi, thấy ghét bố mẹ là lại muốn đi một nơi nào khác thật xa không? Bỏ đi cho bố mẹ ân hận vì đã mắng mình, đã phạt mình? Ừ á, đến chỗ nào mà đập phá nhảy nhót thoải mái không bị ai trách móc ấy.
Khi đến được một hòn đảo với những sinh vật hoang dại rồi, Max đã chinh phục được hết chúng nó và được tôn lên làm vua. Và giờ cậu muốn làm gì thì làm. Cậu thậm chí còn tống lũ sinh vật hoang dại đi ngủ mà không cho ăn bữa tối luôn.
Nhưng rồi khi chơi chán cậu lại cảm thấy cô đơn, cậu muốn ở một nơi nào đó có người yêu thương mình nhất. Và rồi cậu ngửi thấy mùi thơm rất ngon miệng. Max không chân chừ rong buồm trở lại căn phòng của mình. Và ở đó có bữa ăn nhẹ buổi tối đang chờ sẵn. Nó vẫn còn nóng.
Chi tiết này tôi đặc biệt thích. Nó dễ khiến người đọc cảm thấy ấm lòng. Đúng là chúng ta thường có khao khát được làm những điều ta thích một cách tự do, ích kỷ, không bị cấm cản, muốn được ít nhất đôi lần trong cuộc đời trở nên hoang dại mà không thấy hối tiếc. Nhưng sau cùng, một sự vị tha, yêu thương, quan tâm thầm lặng luôn là thứ kéo ta quay trở về. Chúng ta chu du ở thế giới tưởng tượng điên rồ nhất của mình, rồi lại quay về thực tại. Mà thứ thực tại này, không phải một điều đối lập lạnh lẽo, trái lại, nó chân thành, dễ chịu và giản đơn như một bát súp nóng.
Khác với thế giới thực và Narnia, tôi luôn thấy có đôi chút tuyệt vọng khi những nhân vật vui vẻ từ bỏ Narnia để quay về thực tế. Còn thực tại và tưởng tượng qua con mắt của Maurice hòa hợp với nhau hơn. Nó cũng khiến tôi cảm thấy, hẳn là đứa trẻ hoang dại trong ông cũng chẳng bị mâu thuẫn gì với sự trưởng thành của ông.
Ấy vậy mà cả trẻ con lẫn người lớn đều có thể nhìn thấy đôi chút của bản thân trong câu chuyện này. Không phải sự hoài niệm, nhung nhớ, hay hối lỗi, đau buồn vì sự trái ngược của tưởng tượng và thực tế… mà là một cảm giác nhẹ nhõm, an tâm. Rốt cục thì, có ai lại không thích một bát súp nóng ngon lành sau cả một ngày dài cơ chứ?
Nếu mình nhớ không nhầm thì PB này đã được chuyển thể thành phim thì phải. Cho đến khi đọc bài review này của bạn mới biết hóa ra đây là một tác phẩm PB nổi tiếng đến vậy :’)
LikeLike
Chị cũng rất tuyệt vọng khi xem Narnia 😦
LikeLike