Về việc mua picture book.

Điều quan trọng đầu tiên số 1 đó là…. có tiền ‘ v ‘. Khỏi nói rồi hén!

Không phải nói nhiều về việc xem PB bản in sung sướng hơn một nghìn tỷ lần xem bản mềm (thường là illegal :3) trên máy. Cho nên nếu có điều kiện, khuyến khích tất cả các bạn mua bản in và giúp các PB maker sống sót để mà còn sáng tác được tiếp (ღ˘⌣˘ღ) .

Dưới đây là một số nơi mình thường mua PB:

1. http://www.bookdepository.com 

Trang web bán sách online này FREE SHIP về VN :3  (vô cùng quan trọng). Chất lượng đảm bảo, mình mua khá nhiều rồi chưa từng bị thất lạc hay gì, dịch vụ khách hàng của trang này cũng khá tốt.

Web này chấp nhận thanh toán bằng rất nhiều loại thẻ khác nhau, mình dùng Visa debit. Chỉ lần đầu tiên mua  bạn sẽ phải điền vào một cái bảng địa chỉ chuyển sách tới, rồi thông tin thẻ của bạn. Còn từ sau nó cứ lưu hết lại, đâm ra…. nguy hiểm lắm :(, mua sách chỉ cần click chuột 2 phát, tiền bốc hơi như khói luôn ; ___ ;.

Thường sách mua sẽ được chuyển tới trong vòng 10-15 ngày, thi thoảng bị chậm có khi đến vài tháng ‘ ___ ‘, nhưng chắc chắn là luôn luôn đến nơi.

(trang này bán sách nói chung, các bạn mua các thể loại khác thấy cũng có nhiều lắm)

2. Book worm HN:

http://www.bookwormhanoi.com/

Đ/c 1: 44 Châu Long

Đ/c 2: 1/28, Nghi Tàm

Mua ở đây đắt hơn trên book depository mấy chục nghìn ‘ v ‘ . Nhưng thỉnh thoảng qua đây ngồi đọc ké PB cũng được :”>. Chỗ này không nhiều PB lắm, nhưng ít ra cũng có một góc riêng cho PB, thế là mừng òi.

3. NXB Kim Đồng:

http://www.nxbkimdong.com.vn/chi-tiet-tin/50-gioi-thieu/32959-h-thng-ca-hang-sach.html

Nói gì thì nói hiện KĐ cũng là NXB xuất bản PB nhiều nhất. PB của VN thì….. thôi không nên nhắc nhiều xát muối vào lòng nhau ; v ; (hãy chờ tớ được xuất bản =)))))))) ). Nhưng KĐ cũng xuất bản một số bộ PB khá hay (hầu như là các tác phẩm cũ, tác phẩm mới gần đây chắc tiền bản quyền cao quá…. ; v ; ), ví dụ như bộ classic Peter the rabbit của Beatrix Potter (có phim Miss Potter đó, xem cũng hay), hay bộ Chú chuột Nezumi của Ueno Noriko & Nakae Yoshio, vài truyện lẻ tẻ cũng khá dễ thương.

4. Một số hiệu sách ngoại văn: 

  • FAHASA:

http://www.fahasa.com/sach-tieng-nuoc-ngoai/sach-thieu-nhi-tuoi-teen.html

FAHASA – Số 39 Đường Kim Liên mới – 04 35738776/ 04 35738777

34 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm – 04 3824 1615
17 Ngô Quyền
Ngõ 192 phố Thái Thịnh

  • XUNHASABA

32 – Hai Bà Trưng

  •  Hiệu sách Việt Pháp – Hiệu sách Ngoại văn 

64 Tràng Tiền, 04 38257376

  • SAVINA 

44 Tràng Tiền

  •  Librairie Française de Hanoi

16 Núi Trúc

Link này có tổng hợp các hiệu sách ngoại văn ở HN, mà mình cũng chưa đi hết để check được những chỗ đó có bán PB hay không. Bạn nào lượn thử rồi thì báo lại cho mình nhóe! Link đây.

5. Others:

Thỉnh thoảng Nhã Nam và Đông A cũng xuất bản vài quyển PB, đếm trên đầu ngón tay hihi. Ngày trước Nhã Nam có xuất bản 2 cuốn là Khu vườn hiếu kỳ và Ai đã bĩnh lên đầu chuột chũi, đều là 2 quyển hay. Còn Đông A xuất bản bộ chú vui Elmer.

Mà thấy chắc cũng bán được ít nên không thấy tái bản mấy ; ___ ;. Vậy nên nếu bắt gặp phải chộp giật luôn á!

Về giá cả thì: PB VN in thì khá rẻ, chỉ từ khoảng 20-50k/ 1 quyển. PB tiếng Anh thì đắt, ít nhất cũng 150k – 400k tùy cuốn. Nhưng mà…. tiền nào của nấy thôi, PB nước ngoài in đẹp lắm, giấy thích lắm, sờ thôi là háp pi rồi (ღ˘⌣˘ღ) .

Tạm thế, có gì sẽ cập nhật thêm sau :D.

Anh hùng.

Vừa xem lại The Dark knight. Lúc cuối phim có câu kết luận của nhân vật Gordon về Batman rằng anh là người hùng mà Gotham xứng đáng có được nhưng không phải người anh hùng mà họ cần ở thời điểm đó. Vì vậy họ chọn một sự lừa dối để giữ hình tượng của Harvey Dent.

Kế hoạch tàn độc của Joker là chứng minh cho thế giới thấy rằng ngay cả một con người ngay thẳng, tốt đẹp như Harvey cũng có thể trở nên bất nhân. Hắn biến Harvey thành người xấu. Và hắn đã làm được. Lời nói dối của Gordon và Batman chỉ là một sự che giấu vụng về cho chiến thắng này của Joker.

Nhưng Joker đã thất bại với sự vụ định làm nổ tung hai con tàu, một chứa tội phạm và một chứa những người dân bình thường. Họ đã thể hiện rằng ngay cả lúc cận kề cái chết một cách tuyệt vọng, họ cũng không thể từ bỏ nhân tính của mình. Không ai dám sống quãng đời còn lại với một mặc cảm tội ác đã đưa ra quyết định đã giết chết hàng trăm con người.

Và họ chỉ là những con người yếu ớt, tầm thường, những kẻ tội phạm mang còng số 8. Còn Harvey Dent là một người hùng của thành phố, là hiệp sĩ trắng của Gotham.

Tôi vốn không thích dòng phim siêu anh hùng của Mỹ bởi hình tượng một người hùng gánh vác tất cả, một tay cứu cả giang sơn… là người tốt nhất trong những người tốt. Tôi không thích quan niệm người hùng là một cá thể, và chắc mọi người đều không tin những nhân vật như vậy tồn tại thật, chỉ có trên phim ảnh mà thôi. Và những bộ phim này rốt cuộc chỉ mang lại vài tiếng đồng hồ giải trí, lòng tin của người xem thì vẫn nhỏ xíu như vậy thôi.

Tự nhiên lại nhớ đến lời Sherlock nói với John, những người hùng không tồn tại, mà nếu có tôi cũng không nằm trong số họ. Tôi đồng ý với Sherlock. Tôi nghĩ, nếu người hùng có tồn tại, đó là sự đoàn kết của rất nhiều các cá thể. Những cá thể bình thường nhưng đồng lòng như những con người trên hai chuyến tàu kia. Bởi họ còn tha thiết muốn làm người lương thiện. Chúng ta chỉ là những con người mà thôi, dù vĩ đại đến mấy, sẽ có một điểm nút khi mà ranh giới của mọi điều đạo đức trở nên mong manh, vô hình.

Bây giờ bất kỳ hành động dũng cảm nào: giúp đỡ kẻ khác, đứng lên bênh vực lẽ phải, hoặc những người đàn ông xấu số lấy thân mình đỡ đạn cho người yêu… đều được tôn vinh thành anh hùng. Như thể chúng ta thèm khát những người anh hùng như những chiếc mỏ neo níu giữ lòng tin vào điều thiện, như thành phố Gotham cần hình ảnh một Harvey Dent chính trực, trong sạch đến giây phút cuối cùng. Tôi thấy thật buồn cười khi mà…. thực tế rằng những người anh hùng được tung hô kia, họ không làm những điều ấy vì muốn được ca ngợi, và những lời ca ngợi ấy cũng không giúp ích gì họ, mọi sự tiếc thương đều không có ý nghĩa gì hết nếu như những con người đang tiếc thương, đang ca ngợi kia chỉ tiếp tục chờ đợi một người anh hùng khác xuất hiện.

Đừng biến họ thành anh hùng rồi lấy đó làm cái cớ để mặc họ đơn độc.

Ví dụ đơn giản như là: có một vụ móc túi trên đường, một người nhìn thấy liền la lên báo động cho người bị hại. Kẻ móc túi thất bại, hẳn người đó sẽ được ca ngợi là dũng cảm, một hành động…. khá là anh hùng (trong thời đại này). Nhưng có bao nhiêu người trong những người tán dương người đó thực sự dám giúp đỡ cả người bị hại lẫn người dám đứng ra trong những trường hợp như vậy? Anh muốn làm anh hùng ư, tốt quá, chúng tôi yêu anh, chúng tôi cần anh (cần tha thiết), nhưng anh phải chiến đấu một mình (vì anh là anh hùng, còn chúng tôi là người bình thường).

Tôi nghĩ anh hùng không tồn tại đâu, giống như Sherlock nói. Chúng ta chỉ có những con người yêu thương rất nhiều – như những chàng trai đã không suy nghĩ mà đỡ đạn bảo vệ người yêu hay những con người tin tưởng vào sự trung thực như những nhà báo bóc trần những vụ việc bẩn thỉu…

Có lẽ, chúng ta chỉ cần nhiều hơn những người hòa hảo với thế giới, những người kết nối, những người kể chuyện, những người sáng tạo, những người muốn vui vẻ, thích làm người tốt… những người tin tưởng được rằng những người bình thường không tầm thường và yếu ớt đến thế, một khi họ sát lại gần nhau.

p.s: nói thì dễ thế thôi chứ làm thế nào mình cũng…. chẳng biết. Hình như mình cũng từng nói chuyện này, việc môn GDCD trong nhà trường nên dạy cái gì, nên dạy những thứ sát sườn  như là nếu nhìn thấy móc túi trên đường thì nên đánh động hoặc báo công an thế nào cho nhanh, hiệu quả và an toàn, nếu bị cướp thì nên xử lý ra sao, làm sao để tẩu thoát…. cơ bản là kỹ năng thực tế để trở thành một công dân tốt =)))) (đúng như tên gọi bộ môn nhé)

p.p.s: đây cũng là điều làm phim anh hùng của Nolan hay hơn hẳn những phim từng có, vì ông đã khai thác cả những mặt yếu đuối rất con người của những người hùng, và những người hùng của ông không phải chiến đấu một cách đơn độc :D.

[PB] Elmer và cầu vồng

606665

Định viết về Jon Klassen trước cơ mà có vài chuyện nên giới thiệu truyện này trước vậy :p.

Series về chú voi Elmer của tác giả David McKee này cũng là một trong những tác phẩm kinh điển, đã được NXB Đông A phát hành trọn bộ (mà hình như hết rồi, không thấy tái bản nữa. May hồi đó mình nhanh tay (ღ˘⌣˘ღ) ). Tập Elmer và cầu vồng là tập mình thích nhất.

Chuyện kể Elmer vốn là một chú voi đặc biệt, chú có rất nhiều màu sắc thay vì chỉ màu ghi xám thường thấy của loài voi. Một ngày kia sau một cơn mưa có một sự kiện buồn bã xảy ra: cầu vồng khóc lóc vì bị mất hết màu sắc của mình. Elmer quyết định lên đường tìm cách giúp đỡ cầu vồng. Trên đường đi tìm chân cầu vồng, Elmer đã gặp rất nhiều những người bạn trong rừng và ai cũng đi theo để giúp cậu.

Elmer_va_cau_vong_28-29

Cuối cùng khi đến nơi, Elmer đã trao những màu sắc rực rỡ của mình cho cầu vồng. Cầu vồng đẹp lung linh trở lại. Và tất cả mọi người đều hết sức ngạc nhiên tại sao sau khi cho rồi mà màu sắc của Elmer vẫn còn nguyên. Và lời giải thích của Elmer là:

Some things you can give and give and not lose any. Things like happiness or love or my colours. 

Có những thứ mà cậu có thể cho đi và cho đi mà vẫn không hề mất gì cả. Những thứ như là hạnh phúc, tình yêu hay những màu sắc của tớ.

Câu chuyện này có một bài học giáo dục hết sức rõ ràng, tuy nhiên đọc không cảm giác bị giáo điều vì nó đã được truyền tải  qua một ý tứ  rất bay bổng, rất đáng yêu là một chiếc cầu vồng bị mất hết màu sắc. Việc tìm kiếm được một ý tứ, một hình ảnh, một tình huống mâu thuẫn đặc biệt là một trong những điểm quan trọng nhất tạo nên sức thu hút, để lại ấn tượng sâu đậm của tác phẩm đồng thời tạo dựng phong cách cho tác giả.

Cầu vồng đánh mất màu sắc là một hình ảnh gợi nhiều sự tò mò, cũng như một con gấu đi chặt cây làm giấy để tham dự một cuộc thi phi máy bay giấy, hay một cô bé cất tim vào trong lọ cho an toàn, hay cái chết gặp gỡ làm bạn với một cô vịt…. Nếu một câu chuyện mà thiếu đi những tình tiết mâu thuẫn bất thường, hình ảnh kỳ lạ như thế này thì nó sẽ dễ trở nên nhàm chán, ít nhất là với gu đọc của mình. Cũng giống như phim hoạt hình, phim hoạt hình thú vị, đặc sắc phần nhiều cũng ở những chi tiết sáng tạo nhỏ nhỏ rải khắp phim, chứ nhiều khi câu chuyện cũng không quá mới và thông điệp thì quanh đi quẩn lại có mấy thứ vậy thôi :D.

Hôm nay tôi chọn viết về tác phẩm này thay vì giới thiệu Jon Klassen là vì vừa bắt gặp một sự việc rộ lên trên FB mấy hôm nay là một cô gái người Thái có nick Happy Polla sang thăm Việt Nam. Tôi không biết nên thương cảm cho cô gái này hay chửi cô ta ngu nữa. Có lẽ là cả hai. Nhưng điều tôi thấy tệ hại hơn nhan sắc và sự tự tin khá lố bịch của cô gái này là tính bày đàn thú vật của một bộ phận thanh niên Việt. Đánh vào sự ngây ngô của cô gái, họ kéo đàn kéo lũ lên fanpage của cô (tự tin phát sợ nhỉ, lập cả fanpage xếp loại “public figure”), hoặc là khen đểu, hoặc chửi bới bôi nhọ, và tởm hơn là kêu gọi dân Việt Nam điểm danh mà không thấy xấu hổ.  Họ lấy việc chà đạp lên khiếm khuyết của người khác làm nguồn vui. Sau vài phút ở cái fanpage ấy, tôi không rõ cái gì làm tôi thấy buồn nôn hơn, hình ảnh cô gái thô kệch ưỡn ẹo chụp ảnh gợi tình hay những dòng chữ tiếng Việt nhan nhản át cả tiếng Thái.

Việc này tương tự như với vụ bé Nhật Nam (và vô số những trường hợp na ná khác). Ngày xưa có đọc được ở đâu đó có viết là người Việt chỉ đoàn kết khi có chiến tranh, ngày nay phải thêm cả đoàn kết khi hội đồng ném đá, vùi dập người khác nữa. Giống chó cậy gần nhà,  rồi ỷ đông hiếp yếu.

Họ nhỏ mọn vậy hẳn không thể có nhiều màu sắc như Elmer, cái này chẳng nghi nghờ, tôi nghi ngờ việc liệu họ có khả năng nhận được màu sắc từ người khác như cầu vồng hay không? Mà liệu có Elmer nào hào phóng trao màu sắc cho họ không nữa? Thật là bi đát!

[PB] Trái tim và cái chai

jeffers

Vừa ra bưu điện nhận quà lúc sáng nay. Có con bạn gửi tặng tận 3 quyển picture book từ  Australia về (tao yêu mày vô vàn Quỳnh ơi), trong đó có cuốn The heart and the bottle này (mà mình cũng đã lỡ đặt mua cuốn này trên book depository). Oliver Jeffers cũng là một trong những tác giả yêu thích nhất của mình.

Câu chuyện kể về một cô bé, cũng giống phần lớn như những cô bé khác, và tâm trí thì luôn tràn đầy sự tò mò với thế giới.

heart-and-the-bottle 1

Cho tới một ngày cô bé quyết định để sẽ cất trái tim của mình vào một cái chai, đeo lên cổ, vậy là an tâm. Và từ sau đó, cô bé lớn dần lên mà không còn tò mò với thế giới nữa.

ko tìm thấy bản màu.
ko tìm thấy bản màu.

Đây là một câu chuyện hết sức ấm áp và sâu sắc, không chỉ nói về gìn giữ, vun đắp cho sự phong phú của tâm hồn và hiểu biết, còn là cách cảm nhận thế giới hồn nhiên và cả tình cảm gia đình nữa. Ở đoạn đầu ta có thể bắt gặp hình ảnh người bố (đoán thế vì thực ra truyện cũng không có nói rõ) song hành trong mọi hoạt động cảm nhận thế giới của cô bé. Và cao trào đầu tiên của câu chuyện, bước ngoặt khiến cô bé quyết định cất trái tim mình vào trong chai là việc một ngày cô bé phát hiện ra chiếc ghế trống huơ buồn bã.

heartfinal

Tác giả không trực tiếp nói có chuyện gì đã xảy ra, nhưng mình ngầm hiểu là người cha của cô bé đã mất, và việc cảm thấy quá sức đau lòng đã khiến cô bé đi tới quyết định cất trái tim đi. Và sau đó cô bé không cảm nhận được điều gì nữa, cả những nỗi đau và những niềm vui thích.

Còn phần sau câu chuyện đã được kết thúc thú vị ra sao thì các bạn hãy… mua sách về đọc đi, mình viết nữa lại thành spoiler :D.

Con bạn mình kèm theo lời nhắn bảo đọc quyển này nghĩ ngay đến mình nên mới mua tặng. Chắc không phải chỉ do mình cũng tham vọng trở thành picture book maker. Quyển sách này được chuyển tới tay mình đúng vào cái ngày mình đi duyệt bài đồ án tốt nghiệp ở trường. Và nó khiến mình thấy đau lòng đôi chút, vì nó nhắc nhớ mình về việc nhét tim vào trong chai thì hậu quả sẽ ra sao. Mình không có cục tim nào đặt vào cái ngành mình đang học ở trường, mình làm đồ án tốt nghiệp trong vô vọng. Mình chỉ có thể thẳng thắn gào lên là MÌNH KHÔNG BIẾT LÀM THẾ NÀO hết.

Mình mất 5 năm ĐH để ngấm được một bài học cay đắng (và đắt tiền – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) là nếu làm một việc gì, bất cứ cái gì, hãy dành trọn vẹn trái tim cho nó, không thì đừng nên bước chân vào ngay từ đầu. Mình không biết sao nhiều người có khả năng cố gắng học, và thậm chí học rất giỏi, làm rất tốt những ngành học/ công việc mà họ không yêu thích, đơn giản vì đó là điều nên làm/ lựa chọn tốt nhất/ hoặc họ cũng chẳng muốn làm gì khác. Mình không làm được như vậy nên mình luôn cảm thấy rất khổ sở và lạc lõng trong cái ngành này.

Ơ, đang viết review PB….

Mình thích cuốn sách này vô cùng vì nó đã chạm vào những điều làm mình thấy buồn khổ =))).

Thôi nào, không được ngồi than thở nữa. Làm nốt cho xong đi rồi mình sẽ vẽ những quyển PB chạm vào những nỗi đau khổ của những đứa khác như thế này =)))))))))))))).

4

[Re-post] Trò đùa của Tulip

cái bìa gốc nhìn ấn tượng hơn bìa xuất bản ở VN bao nhiêu ‘ __ ‘

Mình vừa mua cuốn này lúc chiều nay ở cửa hàng Kim Đồng, với giá 12k5 (giá bìa là 25k). và đọc nó trong hơn 2 tiếng đồng hồ.

Đôi lúc có những cuốn sách bị lãng quên, bị giảm giá hết cỡ, thiếu người để trân trọng chúng!

Đây là một trong những cuốn sách miêu tả về tâm lý trưởng thành dần của một đứa trẻ hay nhất mình từng đọc. và sự trưởng thành này cũng thấm đẫm sự đau đớn và bất lực.

Ngay cả khi kết thúc câu chuyện cũng không đem lại một cái hướng mở tươi sáng hơn cho nhân vật Tulip, chỉ là sự nhận thức, cảm thông sâu đậm hơn của Natalie.

Natalie từng chấp nhận chơi thân với Tulip, chịu bị cô lập, bị xa lánh chỉ để được ở gần với Tulip, rồi ngay cả nhẫn nhục chịu đựng làm con rối trong những trò đùa độc ác của Tulip. Rồi đến khi Natalie nhận ra tất cả những sự nhẫn tâm này, cô bé quyết tâm rũ bỏ chúng. Những tưởng sự rũ bỏ này sẽ xóa sạch những ký ức về một cô bạn thân cũ xấc láo, độc địa, cô đơn… nhưng không, tất cả những gì cuối cùng còn đọng lại trong Natalie là một cảm giác tội lỗi cay đắng.

Bởi Natalie nhận ra việc Tulip tự tay dìm chết những con mèo nhỏ, thay vì phải nghe những tiếng kêu thảm thiết, những tiếng cào móng lên cái thùng nước mà bố Tulip đã ném lũ mèo vào cho chúng chết dần chết mòn hàng giờ liền. Rằng Tulip đã dũng cảm hơn, tử tế hơn rất nhiều những con người đã luôn cảm thấy thương cảm cho chiếc ghế xe buýt Tulip rạch lên, cho cái tủ cô bé đá cho méo, cho một tòa lâu đài cô đốt bỏ…

[Re-post] Cái lưng muốn đá

561749_4351263615690_443004205_n

 

Vừa mua cuốn này chiều nay, một cuốn sách nhỏ nhắn đọc vỏn vẹn trong tiếng rưỡi đồng hồ.

Đầu tiên ấn tượng với nó bởi cái bìa xấu quá, xấu đến nổi bật luôn, đi lòng vòng mấy nhà sách mà chỉ có duy ở một cửa hàng còn 2 cuốn: 1 bị rách bìa, 1 bị ố ở góc. Mình đành mua quyển ố ở góc, vì có cảm giác không mua ngay sau này tìm đỏ mắt chắc cũng không thấy.

Cuốn sách này nhà văn Wataya Risa viết nămcô 19 tuổi, và đã đoạt giải Akutagawa. Cô trở thành một hiện tượng văn học trẻ Nhật Bản.

Cá nhân mình thấy đây là một cuốn sách rất hay. Không phải cái hay dành cho những người thích những câu chuyện rành mạch rõ ràng. Như một bài review mình vừa đọc được trong lúc search cái ảnh bìa, bạn đấy viết rằng “ nó chỉ là một cuốn sách đọc đc theo ý mình, nhưng không phải là một câu chuyện hay, vì mọi câu chuyện cần có kết thúc.” Không, mình hoàn toàn ko đồng ý, có những câu chuyện không cần kết thúc, không phải cuốn sách nào cũng nhất thiết cần có một cái kết rành mạch để trở thành cuốn sách hay. Giống như một hành trình có ý nghĩa là ở những gì ta được trải nghiệm trên con đường ấy, không nhất nhất là ở cái đích ta đi tới.

Cuốn sách này thú vị và cuốn hút ở những chi tiết tinh tế, được miêu tả bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, mọi nét mặt của nhân vật, khung cảnh được hiển hiện như khi ta đang xem một bộ phim. Không có điều gì rõ ràng, được khẳng định trong câu chuyện nhỏ này. Nó là một chuỗi những hành động, sự kiện, lời nói…. lật mở thế giới cô đơn của những đứa trẻ đang lớn. Tại sao lại bắt cuốn sách phải rành mạch, trong khi có được mấy đứa trẻ ở lứa tuổi 15, 16 biết mình thực sự là ai, thực sự muốn gì? Nếu không nhìn cuốn sách như một câu chuyện mà là một con người, sẽ thấy nó hết sức sống động, chân thật đến tha thiết.

Từng đồ vật vô tri được miêu tả trong tác phẩm đều mang một cảm xúc, một nỗi niềm chôn giấu. Những đứa trẻ mới lớn cô đơn quá mà dồn hết những tâm sự của mình vào những đồ vật tưởng chừng như vô nghĩa. Như cách Hasegawa vùi lấp sự lạc lõng của mình trong lớp học vào những tờ giấy được xé nhỏ thành sợi, hay cách Ninagawa thu thập từng mẩu thông tin về cuộc đời cô người mẫu cậu hâm mộ, rồi chìm đắm cả con người mình vào thế giới ấy mà dửng dưng với mọi thứ xung quanh.

Đó cũng là cách Ninagawa quay lưng lại với một cuộc sống bình thường, là cái lưng mà Hasegawa muốn đá. Đá cho một cái thật đau!

 

 

[PB] Những điều hoang dại ở đâu?

Thể theo lời hứa trong bài giới thiệu sơ lược về picture book trước, một entry phát biểu cảm tưởng (định dùng từ “phân tích” mà nghe hơi quá) về tác phẩm Where the wild things are của tác giả Maurice Sendak.

SENDAK_1963_Where_the_Wild_Things_Are_copyright_page Đây là một trong những huyền thoại của PB, trong mọi bảng xếp hạng những PB hay nhất mọi thời đại nó luôn đứng ở top đầu (thường là đứng nhất). Tác phẩm đã đoạt giải huân chương Caldecott cho Most Distinguished Picture book vào năm 1964. Và cho tới tận bây giờ, nó vẫn luôn nằm trong danh sách sách bán chạy nhất.

Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm này lại có sức sống lâu bền đến vậy.

maurice-sendak
Bác Maurice đang giả vờ vẽ để chụp ảnh (ღ˘⌣˘ღ)

Điều đầu tiên tôi muốn kể, Maurice ghét bị gọi là họa sĩ minh họa sách thiếu nhi. Bởi ông cho rằng khi ông sáng tác một cuốn PB, ông muốn truyền tải câu chuyện ấy một cách sâu sắc, đối với cả người lớn lẫn trẻ em. Và đối với ông, những đứa trẻ có những nỗi đau “trưởng thành”  cần được tôn trọng. Ông luôn khẳng định “Tôi từ chối việc nói dối lũ trẻ“, “Tôi từ chối thỏa hiệp với đống cứt của sự ngây thơ” (bác ấy dùng từ “bullshit” ạ)…  Tôi cảm thấy Maurice vẽ PB không chỉ bởi ông muốn làm lũ trẻ vui thích, mà hơn thế là muốn chạm vào tâm tư sâu thẳm của chúng, vào những nỗi đau không thể đong đếm bằng những năm tháng của sự trưởng thành.

Và bởi cái chạm hết sức tinh tế này mà tác phẩm đã gây được sự đồng cảm mạnh mẽ với nhiều thế hệ độc giả. Tôi nhớ trong Biên niên sử Narnia của C.S.Lewis, có một chi tiết là khi lớn, cô chị Susan không quay trở lại Narnia nữa trong khi người anh cả Peter vẫn trở về (Peter còn nhiều tuổi hơn nhé). Có điều gì đó đeo bám dai dẳng những người kể chuyện hàng thế kỷ qua, về sự đối lập gần như không thể dung hòa giữa một thế giới tưởng tượng đẹp đẽ và một thế giới thực tế trần trụi, và con người ta cứ phải chạy qua chạy lại giữa hai nơi này, nhiều khi như một sự trốn tránh. Trong tác phẩm Chuyện dài bất tận của Michael Ende cũng nhắc tới vấn đề này, rằng khi con người quên đi thế giới tưởng tượng, không quay trở lại vùng đất đó nữa thì nó sẽ dần biến mất mãi mãi. Người ta luôn có hai lựa chọn khi trưởng thành, giữ “đứa trẻ hoang dại” của mình, đứa trẻ hoang dại tin tưởng vô lý vào những điều phi thường, hoặc lãng quên nó đi (và gọi đó là cái giá bắt buộc để trưởng thành ‘ v ‘ ). Điều Maurice đã làm trong cuốn PB này là…. thả đứa trẻ hoang dại trong ông chạy dài trên trang giấy. Và điều này, ít nhiều chúng ta đều mong ước, đều yêu thích, vì ai chẳng muốn có khoảng không vô tư chẳng lo nghĩ. Nhất là những con người quyết định lãng quên đứa trẻ hoang dại để… lớn lên, họ còn nhớ chúng nhiều hơn (còn nếu không thì… tớ chịu đấy!).

Maurice kể khi sáng tác Where the wild things are, ông nhớ lại ngày bé ông là một đứa trẻ nghịch ngợm ra sao và hay bị mẹ phạt không cho ăn bữa nhẹ buổi tối rồi tống lên phòng. Và Max cũng có nỗi buồn bất mãn như vậy. Mẹ mắng cậu là đồ “wild thing” – hay dịch nôm na kiểu tiếng Việt là “nghịch như quỷ”, “đồ quỷ sứ”. Còn cậu thì gào lên “con sẽ ăn thịt mẹ“.

Maurice Sendak - Where The Wild Things Are-12

Ừ, nếu mẹ gọi mình là đồ hoang dại, mình sẽ đến ở với bọn hoang dại, không thèm ở với mẹ nữa. Khi Max trở về phòng mình, một khu rừng rậm dần mọc lên, căn phòng biến mất và cậu bơi thuyền qua biển lớn đến với những sinh vật hoang dại.

things-are_page_201

Liệu có ai còn nhớ mỗi lần dỗi, thấy ghét bố mẹ là lại muốn đi một nơi nào khác thật xa không? Bỏ đi cho bố mẹ ân hận vì đã mắng mình, đã phạt mình? Ừ á, đến chỗ nào mà đập phá nhảy nhót thoải mái không bị ai trách móc ấy.

Maurice Sendak - Where The Wild Things Are-21

Khi đến được một hòn đảo với những sinh vật hoang dại rồi, Max đã chinh phục được hết chúng nó và được tôn lên làm vua. Và giờ cậu muốn làm gì thì làm. Cậu thậm chí còn tống lũ sinh vật hoang dại đi ngủ mà không cho ăn bữa tối luôn.

wildthings

Nhưng rồi khi chơi chán cậu lại cảm thấy cô đơn, cậu muốn ở một nơi nào đó có người yêu thương mình nhất. Và rồi cậu ngửi thấy mùi thơm rất ngon miệng. Max không chân chừ rong buồm trở lại căn phòng của mình. Và ở đó có bữa ăn nhẹ buổi tối đang chờ sẵn. Nó vẫn còn nóng.

Chi tiết này tôi đặc biệt thích. Nó dễ khiến người đọc cảm thấy ấm lòng. Đúng là chúng ta thường có khao khát được làm những điều ta thích một cách tự do, ích kỷ, không bị cấm cản, muốn được ít nhất đôi lần trong cuộc đời trở nên hoang dại mà không thấy hối tiếc. Nhưng sau cùng, một sự vị tha, yêu thương, quan tâm thầm lặng luôn là thứ kéo ta quay trở về. Chúng ta chu du ở thế giới tưởng tượng điên rồ nhất của mình, rồi lại quay về thực tại. Mà thứ thực tại này, không phải một điều đối lập lạnh lẽo, trái lại, nó chân thành, dễ chịu và giản đơn như một bát súp nóng.

Khác với thế giới thực và Narnia, tôi luôn thấy có đôi chút tuyệt vọng khi những nhân vật vui vẻ từ bỏ Narnia để quay về thực tế. Còn thực tại và tưởng tượng qua con mắt của Maurice hòa hợp với nhau hơn. Nó cũng khiến tôi cảm thấy, hẳn là đứa trẻ hoang dại trong ông cũng chẳng bị mâu thuẫn gì với sự trưởng thành của ông.

Ấy vậy mà cả trẻ con lẫn người lớn đều có thể nhìn thấy đôi chút của bản thân trong câu chuyện này. Không phải sự hoài niệm, nhung nhớ, hay hối lỗi, đau buồn vì sự trái ngược của tưởng tượng và thực tế… mà là một cảm giác nhẹ nhõm, an tâm. Rốt cục thì, có ai lại không thích một bát súp nóng ngon lành sau cả một ngày dài cơ chứ?

Giới thiệu sơ lược về Picture book (p3+p4+p5)

3. Về hình thức thể hiện của Picture book?

Vì giới hạn độ dài trong khoảng 16-35 trang nên với PB trang nào cũng được chăm chút một cách hoàn chỉnh, theo nghĩa tách rời trang nào đóng khung treo cũng được :D.

PB có cách diễn đạt kể chuyện khái quát hơn truyện tranh rất nhiều. Như truyện tranh là sử dụng nhiều khung hình nhỏ, liên tiếp, diễn tả quá trình hành động hoặc diễn biến tâm lý nhân vật… (ai cũng đọc truyện tranh rồi tớ khỏi tả nhiều nhóe). Nhưng PB hạn chế về số trang nên chỉ những cảnh đặc sắc nhất, quan trọng nhất được lọc ra và thể hiện, phần còn lại là khoảng trống giữa các trang để người đọc tự tưởng tượng, hihi.

PB có miêu tả hành động, nhưng không phải miêu tả kiểu có hiệu ứng như truyện tranh. Vd như thế này:

sìu pơ men mặc sịp đỏ ngoài quần dài ' v '
sìu pơ men mặc sịp đỏ ngoài quần dài ‘ v ‘

Bạn sẽ không bắt gặp những hiệu ứng tả tốc độ hay ánh sáng kiểu như thế này trong picture book. Trái lại PB có xu hướng…. đóng băng thời gian và chộp lấy khoảnh khắc mà nhân vật đang trong tư thế tạo hình đẹp nhất, thể hiện cảm xúc nhất =)), với truyện tranh thì bạn sẽ cảm nhận được cả quá trình chuyển động.

Alberto Morales Ajubel với tác phẩm Robinson Crusoe

Alberto Morales Ajubel với tác phẩm Robinson Crusoe

Có những PB mà từ đầu đến cuối truyện, trang nào cũng chỉ vẽ những nhân vật chính, có rất ít hoặc không có background, không thay đổi góc quay camera (chỉ dùng góc chính diện chẳng hạn), cũng không vẽ miêu tả hành động của nhân vật, Nhưng vẫn truyền tải được câu chuyện nên vẫn là những cuốn sách hay. Vd như cuốn Duck Death and the Tulip này:

DDT internals_Page_05

Chính vì mang đặc điểm cốt lõi là những câu chuyện nên phần tranh trong PB phải mang tính kể chuyện. Không phải họa sĩ minh họa cũng đều có thể vẽ PB tốt được (cũng như là có những người nhầm lẫn giữa họa sĩ minh họa và họa sĩ truyện tranh).

Có những người vẽ rất đẹp, về mặt bút pháp, tạo hình, xử lý bố cục, màu sắc..v….v… nhưng không có nghĩa là bức tranh đó có khả năng gợi mở một câu chuyện. Ví dụ như:

bức tranh này rất dễ thương, màu sắc tươi sáng, tạo cảm giác lãng mạn, bay bổng. nhưng nếu nhìn ta sẽ không biết cô gái này đứng giữa cánh đồng hoa làm gì, hay cô ấy sẽ làm gì tiếp, tâm trạng của cô gái này là gì (vui chăng?), gần như không có tình huống gì xảy ra trong bức tranh này.
bức tranh này rất dễ thương, màu sắc tươi sáng, tạo cảm giác lãng mạn, bay bổng. nhưng nếu nhìn ta sẽ không biết cô gái này đứng giữa cánh đồng hoa làm gì (cầm 1 bó hoa?), hay cô ấy sẽ làm gì tiếp, tâm trạng của cô gái này là gì (vui chăng?), gần như không có tình huống gì xảy ra trong bức tranh này. và thực ra chúng ta sẽ không hỏi những câu hỏi như trên khi nhìn vào một bức tranh thế này =)).

Những bức tranh kể trên mang nhiều tính trang trí hơn là kể chuyện. Tớ không nói nó hơn kém hay gì, đơn thuần là nhiệm vụ, tính chất của nó khác với tranh vẽ trong PB. Vd như tranh minh họa sách báo teen, nhiều lúc không nhất thiết phải bám sát nội dung, mà có thể vẽ đẹp, lung linh là phù hợp.

Nhưng với PB thì phải tìm hiểu tính cách nhân vật, cảm xúc của nhân vật để thể hiện sao cho rõ nét nhất. Mọi thứ xuất hiện trong bức tranh phải bám sát và phục vụ cao nhất cho việc truyền tải nội dung.

A great paper capter của Oliver Jeffers - kể về một chú gấu đi đốn hết cả cây trong rừng để làm giấy tập gấp máy bay. có rất nhiều thông tin trong bức tranh này, những chi tiết khiến ta tò mò muốn theo dõi tiếp điều gì sẽ xảy ra. tình huống câu chuyện rất rõ ràng: trong một khu rừng, trời tối, một con gấu cầm đen pin và kéo theo một cái cây (nó chặt cây để làm gì?), trên thân cây dán một tờ thông báo về một cuộc thi gấp máy bay (thông báo này liệu có liên quan gì tới việc nửa đêm một con gấu đi đốn cây?)  bạn đã thấy có một câu chuyện đang diễn ra ở đây chưa?
A great paper capter của Oliver Jeffers – kể về một chú gấu đi đốn hết cả cây trong rừng để làm giấy tập gấp máy bay.
có rất nhiều thông tin trong bức tranh này, những chi tiết khiến ta tò mò muốn theo dõi tiếp điều gì sẽ xảy ra. tình huống câu chuyện rất rõ ràng: trong một khu rừng, trời tối, một con gấu cầm đen pin và kéo theo một cái cây (nó chặt cây để làm gì? có gì đó mờ ám?), trên thân cây dán một tờ thông báo về một cuộc thi gấp máy bay (thông báo này liệu có liên quan gì tới việc nửa đêm một con gấu đi đốn cây?)
bạn đã thấy có một câu chuyện đang diễn ra ở đây chưa?

Vậy nên, với việc vẽ PB, kỹ năng không phải điều quan trọng nhất quyết định sự thành công của cuốn sách, mà là cảm nhận của người vẽ. Họ có thể vẽ cực kỳ đơn giản, thậm chí nhìn có vẻ cẩu thả, nhưng nếu toát lên được cảm xúc và tính cách của câu chuyện thì đã là hoàn hảo rồi. Cũng gần giống như rage comic vậy, mấy cái mặt troll đó vẽ xấu mù, đúng chưa, nhưng biểu cảm của chúng quá tốt, tính cách quá rõ nét, nên chúng vẫn cực kỳ hiệu quả.

Khái niệm vẽ “có hồn” rất khó đặt ra tiêu chuẩn để đánh giá, nó còn tùy thuộc vào cảm nhận của từng người nữa. Vẽ mà có cả cái duyên kể chuyện thì hẳn cũng là một may mắn. Ờ, cái này thì tớ không dám chắc… Nó là một thứ khó diễn đạt bằng câu chữ, chỉ có thể tự đọc tự ngấm tự nhận ra mà thôi :D. Chỉ những họa sĩ có “sense” – cảm nhận về việc kể chuyện qua những bức tranh mới có thể làm picture book lâu dài (ý kiến trích từ sách, tớ nhắc lại thôi).

PB không chỉ là để ngắm, mà còn để cảm nhận và ghi nhớ nữa.

Cũng tương tự như đề tài, PB không có giới hạn gì về các chất liệu có thể sử dụng để vẽ (màu chì, sáp, sơn dầu, màu nước, cắt giấy, ghép vải, tranh thêu, digital…), hay về kích thước cuốn sách…. PB còn có một món đặc sản nữa là sách tương tác (lật, xoay, chạm, kéo, pop-up…). Cái này hay khủng khiếp, đúng là… muốn làm gì thì làm =)).

hole sabuda-oz

Về cơ bản, hình thức thể hiện phụ thuộc vào nội dung câu chuyện, chỉ cần nó phù hợp nhất với câu chuyện là được, không nhất thiết là nó cần đẹp nhất, lung linh về mặt kỹ thuật :D.

4. Picture book maker? Quy trình làm picture book?

Hiện trên thế giới người ta cũng chưa có danh từ chính xác nào cho nghề nghiệp này nữa, mới tạm gọi là picture book maker.

Sáng tác PB thì có 2 dạng:

  • Họa sĩ vừa viết nội dung vừa vẽ 
  • Một người viết nội dung, một người minh họa

Về việc đào tạo, trên thế giới cũng có những trường chuyên dạy về PB rồi, nhưng bạn biết đấy, giống như mọi ngành nghề khác, người sáng tạo có thể đến từ bất kỳ đâu, học cái gì làm cái gì không biết, miễn là tác phẩm cuối cùng của họ hay. Thế là được. Không có quy chuẩn chính xác cho việc này. Tuy nhiên,  thật ra có học thì có hơn (◡‿◡✿), nếu chúng ta không phải là thiên tài.

Về quy trình làm PB, các bạn có thể tham khảo ở video dưới đây:

 

5. Picture book ở Việt Nam?

Theo như tớ được biết thì ở VN chưa có PB maker chuyên nghiệp nào cả ‘ ___ ‘ (chuyên nghiệp tức là phải sống được bằng nghề ấy). Số lượng PB được xuất bản cũng không nhiều, có một vài tác phẩm do Kim Đồng, Nhã Nam, Đông A phát hành, lại không được PR rộng rãi nữa. Tớ chủ yếu mua sách online. Chất lượng in ấn của mình cũng chưa được tốt, nếu in… đẹp quá thì giá thành lại cao, chắc ít người bỏ tiền ra mua ; ____ ;. Nói chung là còn vô vàn những vấn nạn khác mà thôi để người trong ngành xuất bản nói.

Hiện tớ đang làm PB với tổ chức Room to Read. Tớ thấy rất tốt, tuy nhiên đó là sách từ thiện, phải có những chỗ khác để làm PB mà có thể bán và phổ biến rộng rãi được. Đang tìm cách, hehe.

Tất cả cái đống tớ viết thực ra chẳng quan trọng bằng việc bạn hứng thú và cầm một quyển PB lên đọc. Chuyện đơn giản vậy thôi, nếu đọc sẽ thấy thích (nhiều tranh đẹp, nội dung thú vị, ít chữ nhé =)))) ). Chẳng cần nhiều lời mà làm gì :D. 

Giới thiệu sơ lược về Picture book (p2)

2.  Về nội dung, đề tài của Picture book?

Theo như tớ nghĩ, điều cốt lõi của PB là những câu chuyện. Câu chuyện đó muốn nói điều gì, truyền đạt thông điệp gì, mang lại những cảm xúc thế nào… Đặc biệt quan trọng là những ý tưởng (original idea). Những ý tưởng này có thể được chuyển thể thành các hình thức nghệ thuật khác, như kịch hay phim ảnh. Chắc nhiều bạn cũng biết đến những bộ phim như Where the wild things are (được chuyển thể từ PB của Maurice Sendak) hay phim hoạt hình The Lorax & Horton hears a who (chuyển thể các PB cùng tên của Dr.Seuss), hay bộ phim hoạt hình ngắn mới đoạt giải Oscar gần đây The Fantastic Flying Books of MrMorris Lessmore, hay Cloudy with a chance of meat balls… Còn rất nhiều, tớ không kể thêm nữa :p, cũng không phải ai cũng biết những tác phẩm trên được phát triển từ những câu chuyện của PB.

lên phim (ღ˘⌣˘ღ)
lên phim (ღ˘⌣˘ღ)
where-the-wild-things-are 2
và trong PB gốc của Maurice Sendak (cuốn này là một trong những huyền thoại của PB, tớ sẽ phân tích về nó sau :D)

Không có giới hạn chủ đề gì với PB. Mọi đề tài đều có thể được đề cập tới, ngay cả bạo lực, tình yêu và tình dục, cái chết và nỗi buồn… Tuy PB thường được nghĩ là chỉ dành cho trẻ con, với những chủ đề khó kể trên PB cũng có những cách cực kỳ khéo léo và thú vị để truyền đạt, nhưng với PB hậu hiện đại, ranh giới giữa người lớn và trẻ em không còn rành mạch nữa.  Mỗi lứa tuổi có thể thưởng thức theo một cách riêng.

Cái này nói ngoài lề: tớ thấy khá buồn cười khi có người cho rằng sách càng nhiều chữ tức là càng phức tạp, càng khó, còn ít chữ là đơn giản, dễ hiểu. Vấn đề ở đây, câu chuyện của PB không chỉ nằm ở câu chữ. Nhiều hay ít chữ không quyết định giá trị của câu chuyện, và đơn giản cũng không kém quan trọng so với phức tạp). Nếu như bạn một lần đọc thử PB như cuốn Arrival của Shaun Tan, bạn có thể cảm nhận được trí tưởng tượng phong phú, chiều sâu của nội dung và phần tranh thể hiện không thua gì concept art của các phim khoa học viễn tưởng (và câu chuyện này không có một từ nào).

1 trang trong Arrival - Shaun Tan. có thể download tại đây: http://www.mediafire.com/download.php?ebp358uoqgas9fb
Arrival – Shaun Tan.
có thể download tại đây: http://www.mediafire.com/download.php?ebp358uoqgas9fb

Sự sâu sắc của PB không do thể loại quyết định mà do tác giả =))). Có những cuốn PB bạn sẽ cảm thấy nó có giá trị dài lâu trong cuộc đời mình. Và những câu chữ trong đó có thể quote lại thành châm ngôn cuộc sống =)). Vd tiêu biểu là Dr.Seuss.

30-dr-seuss-quotes

Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt khiến PB khác với truyện tranh hay văn học, hay điện ảnh đó là giới hạn về độ dài. Truyện tranh có thể kéo dài hàng chục tập, một bộ truyện tranh có thể gồm cả nghìn trang, nhưng PB thường chỉ nằm trong giới hạn từ 16 – 35 trang. Vậy nên những câu chuyện của PB thường cần cô đọng và đơn giản hóa tối đa. Nói ít hiểu nhiều.

Dù vậy, đúng là phần nhiều PB vẫn dành cho thiếu nhi, hehe. Vậy nên nội dung của nó cũng cần phù hợp với trẻ con, nhưng không có nghĩa là người lớn không “enjoy” được, hihi.

Về nội dung, PB chia làm 3 loại chính:

  • dang…. văn học (ko biết dùng từ nào cho đúng): tức là câu chuyện có diễn biến, có nhân vật, tình huống….
  • dạng thông tin: vd như liệt kê các giai đoạn phát triển của loài bướm, các ngày trong tuần, các tháng trong năm….
  • kết hợp cả 2 mục đích trên.

Các loại nội dung này lại có thể được thể hiện dưới các hình thức như sau (được học ở workshop nha, ko phải tớ tự nghĩ ra ><):

  • Travelogue: câu chuyện có các yếu tố lặp lại, liệt kê trong phần lớn diễn biến của câu chuyện, thường có một yếu tố twist bất ngờ ở cuối truyện. vd như truyện I want my hat back của Jon Klassen. Yếu tố lặp lại ở đây là con gấu cứ đi hỏi hết người này đến người khác là có thấy cái mũ của nó đâu không, và nó luôn trả lời là “Thank you anyway“.  (xem tạm bản chuyển thể hoạt hình hén :D)
  • Problems solving: giải quyết vấn đề. Câu chuyện có một vấn đề gì đó, và sẽ được giải quyết ở cuối truyện :”>. Vd như cuốn này:
  • Fantasy: những câu chuyện giả tưởng, phi lý, như cuốn Arrival của Shaun Tan ở trên. Tớ cũng hay viết thể loại này :p.
  • Dreaming: câu chuyện với kết thúc giải quyết là tất cả sự việc diễn ra đều là trong một giấc mơ.
  • One day in life: câu chuyện diễn ra trong vòng một khoảng thời gian/ chu kỳ nào đó, dạng 1 ngày trong tuần của bé, hoặc một tháng trong năm…. truyện dạng này thường là kể chuyện hàng ngày, gần gũi :D. vd như:

Hình như còn vài loại nữa mà tớ quên mất rồi :”> (để tớ hỏi lại rồi bổ sung thêm sau nhé).

Người ta cũng có thể kết hợp vài thể loại vào với nhau, vd như Dreaming và Problems-solving… Mà thường tớ thấy là họ kết hợp các loại với nhau, thế thì thú vị hơn.

Về cách xây dựng nội dung, kịch bản của PB thì lại chia làm 2 loại nữa: tập trung vào sự phát triển của nhân vật (character oriented), tập trung vào diễn biến câu chuyện (story oriented).

Vì giới hạn về độ dài như vậy nên kịch bản của PB cần diễn biến rành mạch, rõ ràng, thông điệp của câu chuyện nổi bật, nếu là kịch bản character oriented thì nhân vật được xây dựng với tính cách, mục đích rõ nét.

Tạm thế đã, mệt óa ; ____ ;. Phần sau sẽ là về hình thức thể hiện nội dung của PB. Hẹn gặp lại, hihi.

Giới thiệu sơ lược về Picture book (p1)

Thật ra tớ không biết tiếng Việt có từ nào chính xác cho picture book, sách tranh hay tranh truyện đều có vẻ mù mờ, cho nên trong khuôn khổ những bài giới thiệu nhỏ này tớ sẽ dùng picture book (PB) và một số khái niệm chuyên môn khác mà cũng chưa có từ dịch =___=.

Cũng phải nói trước rằng tớ không phải chuyên gia nghiên cứu PB, tớ sẽ viết trong giới hạn những điều tớ biết và tìm hiểu được. Nếu ai có đóng góp hay sửa chữa gì thì rất hoan nghênh :D.

1. Lịch sử hình thành phát triển: 

Phần này hơi chán nên tớ sẽ tóm gọn thật nhanh (I’m not a big fan of history of anything, pardon me =_=).

PB được coi là “the art of visual storytelling” – nghệ thuật của việc kể chuyện bằng hình ảnh. Nó là một hình thức kể chuyện, giao tiếp còn non trẻ, mới được khoảng hơn 130 tuổi. Người ta cho rằng nó có nguồn gốc sâu xa gắn liền với những hình ảnh vẽ trên hang đá của người cổ đại, hay những hình ảnh điêu khắc trên cây cột trụ Trajan của người La Mã… (những bức tranh này thường là kể lại những chuyện đời sống thường ngày hoặc truyền thuyết gì đó phải không, ít nhất là KỂ CHUYỆN).

tranh vẽ trên vách đá trong hang Chauvet, Pháp.
tranh vẽ trên vách đá trong hang Chauvet, Pháp.
những hình điêu khắc trên cột đá Trajan, La Mã
những hình điêu khắc trên cột đá Trajan, La Mã

Sự ra đời và phát triển của PB thực sự được đánh dấu từ việc ra đời của công nghệ in ấn vào thế kỷ 15.

Cuốn Orbis Sensualium Pictus (The Visible Words – những con chữ hiện hữu) của tác giả Comenius xuất bản ở Nuremberg, Đức năm 1658 với phần tranh và chữ được in cạnh nhau được coi là cuốn PB dành cho trẻ em đầu tiên trên thế giới. Nó được thiết kế bao gồm tranh và chữ song song như vậy là để cho trẻ em dễ tiếp thu.

nhìn giống từ điển bằng tranh bây giờ :D
nhìn giống từ điển bằng tranh bây giờ 😀

Vào thế kỷ 19, khi công nghệ in màu ra đời thì PB đã được nâng tầm thêm một bậc nữa, với ngày càng nhiều các tác phẩm thú vị. Tuy nhiên, theo tớ nhận thấy thì PB thời kỳ này vẫn đang dừng lại ở mức là tranh minh họa diễn lại tất cả những nội dung của từ ngữ (như bây giờ người ta gọi là Illustrated book).

Trong thời kỳ này có một tác phẩm rất độc đáo của Edward Lear là A book of nonsense, tớ cực kỳ thích cuốn này, khuyến khích các bạn mua đọc thử.

bản của tớ có, hình như giờ vẫn còn có bán ở mấy cửa hàng sách trên Tràng Tiền hoặc Đinh Lễ, 50k :D
bản của tớ có, hình như giờ vẫn còn có bán ở mấy cửa hàng sách trên Tràng Tiền hoặc Đinh Lễ, 50k 😀

Nội dung nó… cực kỳ nhảm nhí kiểu như thế này, nó là cuốn sách định nghĩa về sự nhảm nhí, vô nghĩa:

A_Book_of_Nonsense,_Old_Person_of_Dutton

Rồi đến cuối thế kỷ 19 thì PB hiện đại ra đời. Như tớ có nhắc tới ở trên về Illustrated book (sách có minh họa) và Picture book, đến giai đoạn này PB mới hình thành được  tính cách của riêng mình.

  • Illustrated book tức là phần tranh đơn thuần minh họa chính xác những gì được miêu tả trong câu chữ. Phần lớn sách thiếu nhi có bán ở VN hiện giờ thuộc dạng này, ví dụ như truyện Andersen được chuyển thể thành sách tranh, phần chữ được cắt ngắn và đi kèm với những bức tranh minh họa đẹp, nhiều màu sắc. Nếu như bỏ đi phần tranh ta vẫn có thể hiểu được trọn vẹn, nhưng bỏ đi phần chữ thì phần tranh không truyền tải được hết câu chuyện. 
  • Picture book thì khác. Nó có hai mạch truyện kể: tranh và lời (picture narrative và text narrative). Hai mạch này không kể lặp lại nhau, có những thứ tranh nói nhiều hơn lời. Nếu bỏ đi một trong hai thứ, ta vẫn có thể hiểu được câu chuyện (nhưng tất nhiên là không hay bằng :D). Sau này đến giai đoạn hậu hiện đại thì có những PB còn không có chút lời nào nữa (sẽ nói sau, hehe). 

Các phẩm của tác giả Randolph Caldecott được coi là ngọn cờ đầu trong việc phá vỡ giới hạn cũ trong vai trò kể chuyện của tranh, trong mối quan hệ với phần lời.

Như ta có thể thấy ở đây phần lời không miêu tả lại bức tranh, nó chỉ là một câu thoại của cô gái. Còn phần tranh kể cho chúng ta những điều còn lại, về bối cảnh, không gian, thái độ cảm xúc của các nhân vật.... Chứ không phải phần lời phải kể lể, vd: cô gái bướng bỉnh nói trước sự ngạc nhiên của ngài công tước... blah blah. Đây là sự khác biệt giữa PB và Illustrated book.
Như ta có thể thấy ở đây phần lời không miêu tả lại bức tranh, nó chỉ là một câu thoại của cô gái. Còn phần tranh kể cho chúng ta những điều còn lại, về bối cảnh, không gian, thái độ cảm xúc của các nhân vật…. Chứ không phải phần lời phải kể lể, vd: cô gái bướng bỉnh nói trước sự ngạc nhiên của ngài công tước… blah blah. Đây là sự khác biệt giữa PB và Illustrated book.

Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 được coi là thời kỳ vàng son của PB thiếu nhi. Còn nhiều giai đoạn phát triển tiếp sau đó nữa của PB, mỗi giai đoạn có những đặc điểm riêng, nhưng như tớ đã nói từ đầu, tớ không thích viết về mấy thứ lịch sử lắm =_=, nên tớ sẽ chuyển sang phần 2, nói mấy thứ thú vị hơn về PB :D.